|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tình thế của Iran khi Nga và Saudi Arabia hợp tác dầu mỏ

07:25 | 28/02/2019
Chia sẻ
Theo mạng tin Al-Monitor, Iran đang cảm thấy lo ngại trước những cuộc thảo luận thời gian gần đây giữa Nga và Saudi Arabia về một cơ chế thực thi nhằm kiểm soát mạnh mẽ hơn thị trường dầu mỏ thế giới.
tinh the cua iran khi nga va saudi arabia hop tac dau mo
Tình thế của Iran khi Nga và Saudi Arabia hợp tác dầu mỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud. Theo tuyên bố chính thức của Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao mức độ hợp tác song phương, trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư. Trao đổi quan điểm về tình hình thị trường “vàng đen” thế giới, hai bên tái khẳng định sự sẵn sàng tiếp tục phối hợp giữa Moskva và Riyadh.Kể từ đầu tháng Hai đến nay, Saudi Arabia đã và đang tích cực xây dựng một cấu trúc mới nhằm quản lý thị trường dầu mỏ. Cơ chế này dự kiến được tạo lập trên nền tảng của thỏa thuận đạt được tại Vienna (Áo) hồi năm 2016, một thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và 10 nước đối tác ngoài OPEC (hay còn gọi là nhóm OPEC+) nhằm tạm thời giới hạn sản lượng “vàng đen” để ổn định thị trường dầu mỏ và đẩy giá dầu tăng lên.

Sau đó, thỏa thuận này đã được gia hạn vài lần và phần nào đạt được các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thực trạng trong hai năm qua cho thấy, các giải pháp tạm thời là không đủ để tác động lâu dài tới thị trường năng lượng.Thay vào đó, để quản lý thị trường dầu mỏ cần xây dựng cấu trúc như một diễn đàn nhằm theo dõi tình hình thực tế trên thị trường và khi cần thiết sẽ ngay lập tức thực thi các bước đi thực tiễn để điều tiết sản lượng dầu mỏ của các thành viên nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu.

Theo kịch bản này, Saudi Arabia và Nga, với tư cách là các lãnh đạo không chính thức của OPEC+, sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra các gợi mở nhằm tạo dựng một cấu trúc mới như vậy.Tuy nhiên, ý tưởng này không được Iran và một số thành viên khác trong OPEC+ hoan nghênh. Tehran đã bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng Moskva và Riyadh sẽ thống trị tổ chức mới và bỏ qua lợi ích của các nước thành viên khác.Xét trên một số khía cạnh, Iran có lý do để thận trọng về cấu trúc quản lý thị trường dầu mỏ mới. Sự đương đầu về ý thức hệ và chính trị với Saudi Arabia khiến Iran tỏ ra nghi ngờ về những tổ chức nơi Riyadh có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Trong quá khứ, Iran và Saudi Arabia luôn có những quan điểm khác biệt trong OPEC, cũng như có góc nhìn đối lập về những chiến lược mà tổ chức này cần theo đuổi. Trong giai đoạn cuối thập niên 1980 và cho tới giữa thập niên 2010, Saudi Arabia ủng hộ ý tưởng rằng OPEC cần phải bảo vệ thị phần dầu mỏ thông qua tăng cường sản lượng và duy trì mức giá hợp lý. Trong khi đó, Iran lại thể hiện quan điểm tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách cắt giảm sản lượng.

25 năm qua, Tehran hiếm khi nhất trí về những điều mà Riyadh đưa ra tại các cuộc họp của OPEC, trong khi Saudi Arabia vẫn thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong OPEC khi có thể thuyết phục các thành viên còn lại của tổ chức này ủng hộ quan điểm và chính sách của mình. Hệ quả là, Iran luôn coi OPEC là một tổ chức bị Riyadh thao túng và kiểm soát.Trong khi đó, chi phí sản xuất dầu mỏ của Iran hiện vẫn ở mức cao, đồng thời các cơ sở sản xuất “vàng đen” của nước này đang ngày càng trở nên già cỗi. Đó còn chưa kể những trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran và những khó khăn trong tài chính và công nghệ khiến sản lượng và năng lực xuất khẩu dầu mỏ của Tehran bị hạn chế.

Để có một tiếng nói có trọng lượng trong OPEC+, một quốc gia cần phải có năng lực và sản lượng cao, cũng như khả năng điều chỉnh sản lượng một cách phù hợp. Ngành dầu mỏ của Saudi Arabia đáp ứng tốt những tiêu chí này và chính điều này quyết định động lực trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Saudi Arabia tại OPEC+.Một điểm đáng chú ý khác là Tehran cũng không hoàn toàn tin tưởng Moskva, khi coi những liên lạc được tăng cường thời gian gần đây giữa Nga và Saudi Arabia là tiền đề để tạo ra một liên minh dầu mỏ mới chống lại Iran. Nước cộng hòa Hồi giáo này cáo buộc Moskva và Riyadh đang cố gắng tận dụng các cơ hội từ lệnh trừng phạt kinh tế mà Tehran đang phải gánh chịu để siết chặt sản lượng “vàng đen” của Iran trên thị trường.Tất nhiên, việc thành lập liên minh giữa Nga và Saudi Arabia tại OPEC+ cũng không dễ để thực hiện. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Moskva đang tính toán “hiệu ứng tâm lý” của thỏa thuận về giá dầu, hơn là tác động thực tiễn từ việc giảm sản lượng trong các thành viên OPEC+. Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu Nga có sẵn lòng tuân thủ triệt để với thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới hay không. Hồi tháng 12 năm ngoái, Nga đã nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ củan họ với điều kiện cắt giảm một cách từ từ. Điều này xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cao tại Nga và Moskva cần thuyết phục chính các tập đoàn dầu mỏ trong nước về sự cần thiết phải giảm sản lượng.

Điều này hoàn toàn trái ngược với Saudi Arabia, bởi lẽ khi cần thiết Riyadh thậm chí có thể giảm sản lượng nhiều hơn cả mức thỏa thuận cho phép. Bên cạnh đó, sản lượng dầu mỏ cua Nga được dự báo sẽ bắt đầu giảm sau năm 2020. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu Saudi Arabia có thực sự quan tâm tới việc duy trì hợp tác chặt chẽ với Nga trên thị trường dầu mỏ sau thời điểm này hay không. Theo số liệu thống kê mới nhất, trong tháng 1/2019, các thành viên OPEC đã tuân thủ 86% mục tiêu sản lượng, trong khi đó các thành viên ngoài OPEC tham gia thỏa thuận tại Vienna hồi cuối năm ngoái chỉ tuân thủ ở mức 25%.

Bên cạnh đó, nhiều “người chơi” khác trên thị trường “vàng đen” hiện theo đuổi những chính sách sản lượng khác nhau, khi họ không thể đảm bảo một sản lượng ổn định hay ủng hộ việc cắt giảm sản lượng, cho dù họ vẫn sẽ được hưởng lợi một khi giá dầu tăng cao hơn.Cơ hội thành công của OPEC+ vì thế phụ thuộc vào những nhân tố khác như sản lượng dầu đá phiến của Mỹ, nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu hay sự ổn định chính trị của các nền kinh tế. Quyết định tiếp theo của OPEC+ về khả năng có gia hạn cắt giảm sản lượng hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có tiếp tục gia hạn miễn trừ trừng phạt đối với một số nhà nhập khẩu dầu mỏ của Iran hay không./.

Xem thêm