|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tính lại GDP: Thu nhập bình quân đầu người lên 3.000 USD/năm và sau đó...

20:45 | 16/08/2019
Chia sẻ
Đánh giá lại GDP không dựa trên cách tính mới, nhưng có tác động đáng kể tới các chỉ tiêu kinh tế khác, theo chuyên gia.
Tính lại GDP: Thu nhập bình quân đầu người lên 3.000 USD/năm và sau đó... - Ảnh 1.

Việc đánh giá lại GDP có thể khiến tỷ lệ nợ trên đầu người có thể tăng lên. Ảnh minh hoạ: TH

"Đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định tại buổi làm việc với một số cơ quan báo chí sáng 16-8. Ông Lâm cũng giải thích một vấn đề liên quan đến việc tính toán lại GDP Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên Hợp Quốc khuyến nghị. “Cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế”, theo cơ quan thống kê chính thức của Việt Nam.

Hiện nay có 3 phương pháp dùng để tính chỉ tiêu thống kê tổng sản phẩm trong nước (GDP): phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng và phương pháp thu nhập.

Việc đánh giá lại quy mô GDP được thực hiện theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới. “Đây nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới”, theo Tổng cục Thống kê.

Trước đó, tại hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra ngày 7-8, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, đơn vị này đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thay đổi cách tính GDP. 

Theo đó, việc thay đổi cách tính đã cho ra một số kết quả tích cực, như GDP đầu người năm 2018 theo cách tính GDP mới sẽ đạt khoảng 3.000 đô la Mỹ/năm, cao hơn khoảng 400 đô la Mỹ so với cách tính hiện hành.

Tuy nhiên, thay đổi cách tính cũng khiến các chuyên gia lo ngại về nguy cơ tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP giảm; tỷ lệ nợ/GDP giảm; tỷ lệ chi trả sở hữu/GDP giảm nhưng đời sống người dân không đổi và tỉ lệ nợ trên đầu người có thể tăng lên.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thay đổi GDP này sẽ làm bảng cân đối liên ngành (input-output table) năm 2012 mà Tổng cục Thống kê đã công bố thay đổi hết. Điều này có thể dẫn tới các đề tài khoa học, các bài viết trong nước và quốc tế không còn nhiều giá trị, hoặc mất hết ý nghĩa.

“Có một chuyên gia chuẩn bị công bố đề tài khoa học về những giải pháp để đạt GDP bình quân đầu người 3.000 đô la Mỹ/năm thì sau công bố của Tổng cục Thống kê, coi như đề tài khoa học không còn giá trị", ông Bùi Trinh nói.

Tác động của đánh giá lại quy mô GDP

Tại buổi họp báo ngày 16-8, Tổng cục Thống kê cho rằng, việc đánh giá lại quy mô GDP “sẽ không tác động” đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Dù vậy, ông Nguyễn Bích Lâm đã chỉ ra một số tác động khi đánh giá lại GDP với các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế.

Thứ nhất, nó sẽ tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. 

Sự gia tăng của GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gai đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Thứ hai, việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Thứ ba, về mặt cơ cấu GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thuỷ sản.

Thứ tư, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện nhưng mức thay đổi không lớn.

Thứ năm, nó sẽ phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu như thu ngân sách/GDP, thuế/GDP, chi ngân sách nhà nước/GDP, bộo chi ngân sách nhà nước/GDP, nợ công/GDP, nợ chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/GDP… 

Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư đia cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay Chính phủ. Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định khả năng tác động là thấp vì thực tế việc thu ngân sách, thuế cũng như các tỷ lệ thu liên quan được quy định bởi văn bản pháp luật.

Cuối cùng, ông Lâm cho rằng khi quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

Thùy Dung

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.