|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tình cảnh tiến thoái lưỡng nan tại Fed

14:28 | 18/09/2019
Chia sẻ
Fed được cho là sẽ hạ lãi suất lần thứ hai trong một thập kỉ vào ngày thứ Tư (18/9), nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell khó lòng đưa ra thông điệp mà thị trường muốn nghe về kế hoạch lãi suất trong tương lai.
fed

Chủ tịch Fed Jerome Powell

"Ông ấy sẽ khiến mọi người thất vọng", Diane Swonk, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Grant Thornton, cho hay. Bà kỳ vọng Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, đẩy lãi suất quỹ Fed xuống phạm vi 1,75 - 2%, sau đợt hạ lãi suất vào ngày 31/7.

Tại cuộc họp Fed gần nhất, ông Powell khiến thị trường rung chuyển, chứng khoán đồng loạt giảm và lợi suất trái phiếu leo thang, chỉ vì ông mô tả đợt hạ lãi suất là "đợt điều chỉnh giữa chu kì", tức Fed sẽ không bắt đầu chu kì giảm lãi suất. 

"Ông ấy không hứa bất kì điều gì nữa. Ông ấy sẽ giữ kín những quân bài của mình. Ông ấy sẽ lại né tránh vấn đề một cách tinh vi", Swonk nhận định.

Phương pháp của Fed có thể làm phiền lòng một số chuyên gia thị trường và chắc chắn sẽ làm Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng. Trước đó, ông Trump gọi Fed là "kẻ đần độn" và kêu gọi NHTW hạ lãi suất xuống mức 0 hoặc thậm chí là lãi suất âm.

Các nhà kinh tế cho biết, dự đoán của Fed sẽ không bao gồm nhiều hơn một lần cắt giảm lãi suất trong năm 2019 (như được trình bày trong biểu đồ điểm (dot-plot) của Fed). Nhiều chuyên gia trên thị trường mong chờ có hai đợt hạ lãi suất trong năm nay.

Bên cạnh việc làm phiền lòng các chuyên gia thị trường, Fed có thể phải đối mặt với những lời ra tiếng vào từ nội bộ, trong đó ít nhất hai vị Chủ tịch Fed phản đối hạ lãi suất. 

Tại cuộc họp lần trước, Chủ tịch Fed khu vực Kansas City, Esther George, và Chủ tịch Fed khu vực Boston, Eric Rosengren, phản đối đợt hạ lãi suất tháng 7/2019 với lý do là không hợp lý khi xét đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Nỗi lo của hai quan chức này càng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fed và dữ liệu kinh tế ở Mỹ cũng mạnh hơn dự báo. 

Hiện Fed thực hiện các đợt giảm lãi suất mang tính phòng ngừa để ngăn chặn đà giảm tốc xuất phát từ những yếu tố khác từ bên ngoài hoặc các cú sốc khác, như cuộc chiến thương mại hoặc Brexit.

"Dữ liệu kinh tế có thể không hỗ trợ cho khả năng hạ lãi suất. Lạm phát CPI lõi đang ở mức cao nhất kể từ khi cuộc suy thoái lần trước chấm dứt. Doanh số bán lẻ cũng đi lên", Chris Rupkey, Trưởng bộ phận kinh tế tài chính tại MUFG, cho hay. 

"Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi khỏi mức đáy – lĩnh vực sản xuất công nghiệp ảm đạm là một trong những lý do chính thôi thúc Fed hạ lãi suất". Sản lượng công nghiệp tháng 8/2019 của Mỹ tăng trưởng 0,6% sau khi giảm 0,4% trong tháng trước đó.

"Tôi không nghĩ Fed sẽ dự báo có thêm đợt hạ lãi suất thứ 3", ông Rupkey cho biết, đồng thời đưa ra dự báo Fed sẽ thực hiện thêm một đợt hạ lãi suất sau đợt hạ lãi suất trong tháng này.

Chuyên gia Rick Rieder của BlackRock kỳ vọng Fed có lẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản, nhưng họ nên làm nhiều hơn. 

"Tôi nghĩ họ sẽ xem đây là đợt điều chỉnh giữa chu kì. Tôi nghĩ họ nên giảm 50 điểm cơ bản và sau đó giảm bớt quy mô, trở về điểm cân bằng", ông Rieder, CIO phụ trách mảng trái phiếu của BlackRock, cho hay. "Nếu nền kinh tế giảm tốc thì họ có thể lại hạ lãi suất".

Michael Gapen, Chuyên gia kinh tế Mỹ tại Barclays, không kì vọng quá nhiều từ Fed. "Chúng tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục giảm lãi suất vì dữ liệu sẽ ngày càng xấu. Theo tôi, thông điệp của Fed sẽ là 'chúng tôi đã giảm lãi suất hai lần và không cho rằng nên báo hiệu sẽ hạ lãi suất lần nữa'", ông nói.

Sau cuộc họp của Fed, ông Powell tổ chức họp báo để trao đổi về nền kinh tế, lạm phát và lãi suất.

Ông ấy có thể được yêu cầu trả lời về những yếu tố khác vốn đã làm rung chuyển thị trường trong tuần này. Cụ thể, lãi suất của hợp đồng repo tăng vọt lên 9% trong ngày 17/9. 

Các chuyên gia mô tả sự tăng mạnh của lãi suất repo là kết quả của tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường. Họ xem đây là tình trạng thiếu hụt tiền mặt, chứ không phải là khủng hoảng tín dụng kiểu như năm 2008.

Các chiến lược gia cho rằng tình trạng phát hành trái phiếu Chính phủ Mỹ quá nhiều đã làm cạn kiện thanh khoản trong lúc các tập đoàn đang huy động tiền mặt để trả tiền thuế trong ngày 16/9.

Trước tình cảnh đó, Fed đã hành động thông qua việc sử dụng nghiệp vụ thị trường tiền tệ - một công cụ mà họ chưa hề sử dụng trong 1 thập kỷ qua. 

Fed khu vực New York đã mua 53,2 tỉ USD trái phiếu trong ngày 17/9 với hy vọng xoa dịu bớt phần nào tình trạng thiếu thanh khoản. Và có vẻ như cách này có hiệu quả. Chẳng hạn, chi phí đi vay USD trong 1 tuần đã suy giảm sau khi tăng gần gấp đôi trong ngày 16/9.

Vào cuối ngày 17/9, Fed khu vực New York còn cho biết sẽ thực hiện thêm một nghiệp vụ repo qua đêm trị giá đến 75 tỉ USD vào sáng ngày thứ Tư (18/9).

"Lãi suất repo đã giảm nhưng vẫn còn cao và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Đây là điều thường xảy ra vào cuối quí và cuối năm, nhưng bạn không mong nó xảy ra vào giữa tháng 9/2019", ông Rieder cho hay. "Fed cần phải mở rộng bảng cân đối kế toán. Giữ cho đồng USD không tăng giá".

Ông Rieder cũng nói thêm việc mở rộng bảng cân đối kế toán sẽ có ích trong tình huống này.

Ông Rieder cho rằng Fed có thể thay đổi những thành phần chứng khoán mà họ mua vào và tập trung vào những trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn. Họ có thể triển khai chương trình nới lỏng định lượng như trước đây để tăng số dư trên bảng cân đối kế toán.

"Tính đến ngày hôm qua (17/9), Fed đã mất kiểm soát thị trường tiền tệ", Mark Cabana, Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất ngắn hạn tại Bank of America Merrill Lynch, cho hay. Ông cho biết một giải pháp mà Fed có thể thực hiện là thành lập nghiệp vụ repo lâu dài.

Minh Tuấn