Tín hiệu vui từ ngành cà phê Việt Nam
Xuất khẩu cà phê tăng trưởng trở lại. Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN |
Năm 2016 là một năm thắng lợi của ngành cà phê khi Việt Nam xuất khẩu được 1,79 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,36 tỷ USD, tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị so với năm 2015. Đây là niên vụ có khối lượng xuất khẩu cao nhất trong 3 năm qua.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng trở lại
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex-một trong những doanh nghiệp chiếm 30% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam cho biết, năm 2016 ngành cà phê được coi là một năm thành công khi xuất khẩu bứt phá. Về mặt bằng giá cà phê liên tục tăng từ tháng 4-2016 đến nay, giá thu mua đã có thời điểm lên đến 46.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Đức và Mỹ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,2% và 13,1%.
Giá trị xuất khẩu cà phê trong năm 2016 ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường tăng trưởng mạnh là Philippines (83,5%), Algeria (67,7%), Trung Quốc (49,7%), Hoa Kỳ (49%), Đức (42,4%), Nhật Bản (16,8%) và Nga (16,1%).
Với kết quả trên có thể khẳng định, trong những năm qua cà phê đã trở thành một trong những ngành hàng nông sản quan trọng của quốc gia, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, hàng năm thu về hàng tỷ USD thông qua việc xuất khẩu tới trên 80 quốc gia trên thế giới. Hiện cà phê Việt Nam đang chiếm khoảng 15% thị phần cà phê toàn cầu, đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê Robusta và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhân.
Giá trị sản phẩm cà phê chế biến ngày càng tăng
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, điểm đáng chú ý trong năm 2016 là đóng góp ngày càng lớn của các sản phẩm cà phê chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2016, xuất khẩu cà phê chế biến đạt khoảng 350 triệu USD. Nhiều sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng như G7 của Trung Nguyên đã đáp ứng được yêu cầu của nhà bán lẻ Walmart và đang được bán trong hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc... Hiện Vinacafe xuất khẩu trên 2.000 tấn cà phê hòa tan/năm đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới do nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử như Nestlé đã đầu tư gần 300 triệu USD và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại tỉnh Đồng Nai. Các công ty trong nước như: Trung Nguyên, Mê Trang, Vinacafe… đang mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc… cũng sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam. Bởi nếu như trước đây chỉ cà phê nhân của Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường này mới được hưởng mức thuế 0%, còn các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao từ 15-20% thì nay với những hiệp định thương mại tự do, cà phê chế biến của Việt Nam chỉ chịu thuế 0-5% sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Ngành hàng cà phê đang chuyển sang thời kỳ nâng cao giá trị hạt cà phê bằng cách đẩy mạnh chế biến rang xay, hòa tan và các sản phẩm khác. Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam là rất lớn nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào.
Ông Lương Văn Tự đưa ra nhận định, Trung Quốc đang là một trong những thị trường quan trọng nhất của cà phê chế biến Việt Nam. Trước đây, người Trung Quốc chủ yếu uống trà, ít tiêu dùng cà phê. Nhưng những năm qua, tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đang tăng nhanh nhờ lớp người tiêu dùng trẻ, tiếp cận nhiều với văn hóa phương Tây. Gu cà phê hòa tan của người Trung Quốc là thích có đường và sữa. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam như Trung Nguyên, Vinacafe... đang xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc các loại cà phê hòa tan 2.1 và 3.1.
Để thúc đẩy phát triển cà phê chế biến, đại điện Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cà phê chế biến đã được định hướng phát triển mạnh trong thời gian tới để phục vụ xuất khẩu và một phần đáp ứng tiêu dùng nội địa.
Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cà phê được chế biến ước đạt 30% so với 10% hiện nay. Trong đó, sản lượng cà phê rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan đạt 255.000 tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cà phê sẽ đạt từ 3,8-4,2 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, toàn ngành cà phê sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu với tỷ trọng đạt 30-40% sản lượng và các thương hiệu mạnh. Đến năm 2030 dự kiến tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê là 200% so với hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 5-6 tỷ USD.
Tuy nhiên, để duy trì xuất khẩu cà phê bền vững, vấn đề nổi cộm của ngành hiện nay cần được khắc phục đó là vấn đề quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thực tế cho thấy doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê có thương hiệu bài bản, đăng ký kinh doanh khá ít, trong khi xuất hiện nhiều cơ sở chế biến rang xay cà phê tạo ra sản phẩm không đúng chất lượng, thậm chí là cà phê "bẩn". Vì vậy, để tạo điều kiện phát triển cho các cơ sở cà phê rang xay uy tín, tập trung xuất khẩu, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở rang xay, chế biến cà phê trên cả nước phải được triển khai sát sao, hiệu quả hơn... ./.