|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tín hiệu khả quan trong xử lý các dự án yếu kém thuộc ngành công thương

07:05 | 22/12/2022
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay đã có những tín hiệu khả quan từ hoạt động của doanh nghiệp sau quá trình chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022; dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY (sợi dún polyester), doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí…

Đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã duy trì sản xuất kinh doanh, nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. 

Mặc dù còn khó khăn, nhưng doanh nghiệp đã cung cấp lượng lớn phân đạm urê và DAP đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần phục vụ xuất khẩu, góp phần ổn định thị trường phân bón, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 

Đồng thời, từ năm 2021 đến nay do thị trường thuận lợi, giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nên kết quả sản xuất kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đều cải thiện với lợi nhuận năm 2022 ước đạt 2.632 tỷ đồng.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với phân đạm urê khoảng 2,2 triệu tấn/năm và phân DAP khoảng 1 triệu tấn/năm, việc các dự án phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có phương án xử lý cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất; đồng thời, duy trì và giữ được thương hiệu sản phẩm, bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động.

Bên cạnh đó, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (Tisco2), một trong những dự án được coi là khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp đến nay cũng có nhiều tiến triển tích cực. 

Theo đó, ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát, làm việc tại dự án Tisco2. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề đặt ra của dự án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban đã chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên trực tiếp tham gia đàm phán với Tổng thầu EPC của Tisco2 (MCC); trực tiếp làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có Công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền  hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức đoàn sang Việt Nam để đàm phán và thống nhất các vấn đề liên quan của dự án. 

Trên cơ sở đó, từ ngày 14 - 24/10/2022, MCC đã cử đoàn chuyên gia sang làm việc tại Việt Nam. Đây được coi là chuyến công tác mang tính "phá băng" xử lý các tồn tại, vướng mắc của Tisco2, tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của dự án Tisco2.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong thời gian tới việc xử lý đối với các dự án sẽ tiếp tục thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền. 

Căn cứ vào tình hình thực tế xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, doanh nghiệp, Ủy ban sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền để có định hướng và giải pháp tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn.

"Trường hợp các dự án, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sẽ báo cáo, xem xét thực hiện phương án phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật với mục tiêu thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách nhà nước cũng như đối với nền kinh tế", ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 30/5/2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp nhận vai trò cơ quan thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. 

Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, Ủy ban đã tiến hành rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo; làm việc trực tiếp tại các dự án, doanh nghiệp để nắm bắt, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án, doanh nghiệp, nhất là những khó khăn, vướng mắc. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban đã tham mưu, chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Thường trực Chính phủ, Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các phương án, hướng xử lý và đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp, dự án hoàn thiện phương án thực hiện nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Lê Phương