|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tín hiệu cảnh báo từ thị trường hàng hóa đối với nền kinh tế thế giới

09:30 | 01/09/2024
Chia sẻ
Giám đốc điều hành Rob Ginsberg tại Wolfe Research cho biết hầu hết các loại hàng hóa đều đang chịu sức ép, trừ vàng, điều này được xem như là sự cảnh báo đối với tình trạng của nền kinh tế.

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Dù thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau đợt bán tháo mạnh do nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế, việc giá hàng hóa giảm mạnh lại báo hiệu nguy cơ suy yếu của kinh tế toàn cầu.

Quỹ đầu tư Invesco DB Base Metals, chuyên theo dõi hiệu suất của rổ hàng hóa kim loại cơ bản như đồng, nhôm, nickel, chì, kẽm..., đã ghi nhận mức giảm hơn 7% trong một tháng (từ 5/7 đến 5/8), trong khi giá dầu thô giảm 14%.

Trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 9/8, Giám đốc điều hành Rob Ginsberg tại Wolfe Research, cho biết hầu hết các loại hàng hóa đều đang chịu sức ép, trừ vàng. Điều này được xem như là sự cảnh báo đối với tình trạng của nền kinh tế.

Đáng chú ý, Giám đốc toàn cầu về chiến lược hàng hóa tại TD Securities, ông Bart Melek, cũng cho rằng diễn biến của giá đồng, vốn được xem là dấu hiệu sớm về tình hình nền kinh tế, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Cảng hàng hóa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá đồng đã tăng vọt vào đầu năm nay với kỳ vọng về một siêu chu kỳ mà trong đó nhu cầu sẽ vượt cung do vai trò của kim loại này trong các ngành công nghiệp như xe điện, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, giá đồng đã giảm 21,4% từ mức đỉnh của năm 2024 là 5,19 USD/pound (1 pound=0,454 kg), đạt được trong ngày 20/5, xuống 4,089 USD/pound vào sáng 12/8. Riêng trong tháng 7/2024, đồng đã để mất 12% giá trị.

 

Ông Melek cho rằng sự suy yếu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang gây áp lực lên giá đồng và dầu mỏ. Tình hình sản xuất toàn cầu cũng không "bùng nổ."

Chuyên gia này cho rằng có khả năng đồng và dầu đang đối mặt với tình trạng dư thừa hơn là thị trường khan hiếm như một số nhà phân tích đã dự đoán.

Mặc dù thị trường dầu nhận được sự hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở Trung Đông, nhưng nhu cầu yếu ở Trung Quốc đã gây áp lực lên thị trường trong nhiều tháng.

Theo ông Melek, cả thị trường năng lượng và thị trường kim loại cơ bản cũng như đồng đều đang phản ánh một môi trường kinh tế tăng trưởng chậm lại, từ đó tác động đến mức tăng nhu cầu cũng như làm giảm nguy cơ khan hiếm nguồn cung.

Kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2024 tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo tăng 5,1% mà các nhà phân tích của Reuters đưa ra. Nếu so với quý trước đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,7% trong quý 2/2024, thấp hơn dự báo tăng 1,1% và so với mức tăng 1,5% được điều chỉnh của quý 1/2024.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ phải thực hiện thêm những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong khi thị trường bất động sản suy giảm, nợ chính quyền địa phương gia tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân yếu.

Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc trở thành lực cản lớn đối với nền kinh tế nước này. (Nguồn: AFP)

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là tham vọng và có thể yêu cầu nhiều biện pháp kích thích hơn.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương), ông Phan Công Thắng, đã cam kết giữ vững lập trường chính sách tiền tệ hỗ trợ và cho biết PBoC sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách bao gồm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ phát triển kinh tế.

Trong khi đó, tại Mỹ, thị trường chứng khoán đã dần phục hồi sau đợt bán tháo do số liệu việc làm và hoạt động sản xuất yếu kém. Các nhà đầu tư đã gạt bỏ nỗi lo suy thoái, khi một số nhà phân tích cho rằng nền tảng kinh tế Mỹ vẫn vững chắc.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/8 cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2 vừa qua tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng ước tính trước đó là 2,8% và mức tăng 1,4% trong quý đầu tiên. Số liệu tăng trưởng kinh tế được nâng lên chủ yếu là nhờ điều chỉnh tăng lên đối với chi tiêu tiêu dùng.

Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 7/2024, cho thấy kinh tế nước này vẫn đang tăng trưởng vững vào đầu quý 3/2024. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 30/8, chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế - tăng 0,5% trong tháng Bảy, đúng như dự báo, sau khi tăng 0,3% trong tháng Sáu.

Tuy nhiên, hiện có những lo ngại về kinh tế Mỹ sau khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm là 4,3% vào tháng Bảy, tháng thứ tư liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Sự chậm lại của thị trường lao động, chủ yếu do việc tuyển dụng giảm, đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuần trước cho biết "đã đến lúc chính sách của Fed cần điều chỉnh."

Một giếng dầu tại thị trấn Qahtaniyah, tỉnh Hasakah (Syria). (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

Trong khi đó, căng thẳng ở Trung Đông, trung tâm sản xuất dầu mỏ của thế giới, ngày càng leo thang khi nhiều nước bị cuốn vào vòng xoáy xung đột. Liên hợp quốc cảnh báo, hậu quả kinh tế của kịch bản xung đột lan rộng tại Trung Đông rất nghiêm trọng.

Xung đột lan rộng không chỉ tàn phá kinh tế khu vực, mà còn gây rủi ro cho nguồn cung dầu mỏ và đẩy giá tăng vọt. Khi giá dầu bị đẩy lên cao, các nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một đợt lạm phát mới, kéo theo đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ lại chậm nhịp./.

 
(TTXVN/Vietnam+)