|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng xanh chiếm 4,4% tổng dư nợ nền kinh tế, những tiêu chí xanh còn chưa rõ ràng

09:58 | 04/12/2023
Chia sẻ
Việc thiếu quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành khiến cho việc xác định cấp tín dụng xanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Tại hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 4/12, lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nêu bật được nhu cầu về vốn tín dụng xanh của Việt Nam, khả năng giải ngân vào các dự án cụ thể của doanh nghiệp, cũng như các khó khăn, vướng mắc trong phát triến tín dụng xanh hiện tại.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, tham luận tại sự kiện. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như: năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải… 

Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quãng thời gian 2 năm từ COP26 đến COP28 (tháng 11/2023), Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết và một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi.

Theo báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, trong đó vốn tín dụng từ ngân hàng là không thể thiếu.

Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.

“Nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh”, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 23%/năm.

 

Tính đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho hay.

Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).

Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

 Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Thiếu tiêu chí về xanh, tín dụng xanh khó phát triển thực chất

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn.

Một là, chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh. Đây cũng là lý do các TCTD chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh.

Hai là, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận mua bán điện). Khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường; 

Ba là, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định; 

Bốn là, hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp dẫn đến bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD;

Năm là, các kênh huy động vốn dài hạn cho dự án xanh chưa thực sự phát triển như thị trường trái phiếu xanh, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Đại diện NHNN cũng cho rằng để để tín dụng xanh phát triển thì vấn đề quan trọng là cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý. Từ đó, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh;

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Đối với các TCTD cần lồng ghép phát triển xanh trong định hướng, xây dựng chiến lược kế hoạch kinh doanh của TCTD; đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về môi trường, nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng xanh, huy động tài chính xanh.

Với các doanh nghiệp thực hiện dự án xanh, cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để được TCTD thẩm định cho vay thực hiện dự án, kiểm soát chất lượng khoản vay; đồng thời khách hàng nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án.

H.T