Tín dụng quý IV cải thiện nhưng khó đột biến
Nửa đầu năm: Tăng trưởng tích cực
Tính đến ngày 19/8, theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tín dụng toàn ngành tăng trưởng tích cực, với mức tăng 8,78% so với cuối năm 2015. Tại khu vực TP. HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7/2018 là 10%. Theo ông Minh, tín dụng đã có sự cải thiện đều đặn trong hơn 2 quý đầu năm nay, thay vì có chiều hưởng giảm trong quý đầu năm như thời gian trước.
Số liệu được các ngân hàng đưa ra cũng cho thấy, sự tăng trưởng trên đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhà băng. Tại một số ngân hàng quy mô lớn (VCB, CTG, BIDV), tín dụng tăng trưởng trên dưới 7% trong 6 tháng đầu năm nay. Các ngân hàng tầm trung (ACB, Techcombank, STB, MB…) tín dụng cũng đạt kế hoạch đề ra, với mức tăng trưởng từ 6-8% trong 2 quý đầu năm. Riêng với các ngân hàng nhỏ (Nam A Bank, OCB, VietA Bank, TPBank…) lại có mức tăng trưởng dư nợ cao hơn. Một phần, do con số tuyệt đối về dư nợ cho vay khách hàng của các nhà băng này còn khiêm tốn (ở mức vài chục nghìn tỷ đồng), nên dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 15-20%, thì xét về quy mô tăng trưởng cũng chỉ bằng một chi nhánh cấp 1 của một ngân hàng lớn.
Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho rằng, kinh tế đang dần hồi phục, sức khỏe của doanh nghiệp cũng tốt hơn trước. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế từ đó cũng gia tăng. Đây là điều kiện để ngân hàng phát triển hoạt động cho vay sau một giai đoạn trầm lắng. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn là mấu chốt để giảm trích lập dự phòng rủi ro. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ACB đặt ra cho năm nay khoảng 18-20%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của ngành. Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ACB đã tăng 16%.
Tuy nhiên, không chỉ các nhà băng tầm trung như ACB đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong 2 quý đầu năm nay, mà các ngân hàng lớn cũng có tổng số dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng khá ấn tượng như: VCB tăng 10,76%; CTG tăng 7,7%; BIDV tăng 6%...
Tín dụng tăng trưởng đều đặn trong nửa đầu năm là động lực thúc đẩy các nhà băng tăng huy động vốn, với kỳ vọng đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng tăng trong quý còn lại của năm. Theo lãnh đạo các nhà băng, quý IV là mùa kinh doanh cao điểm, nên nhu cầu vốn thường tăng. Vì vậy, đây là thời điểm để chuẩn bị nguồn vốn, cho dù thanh khoản vẫn được đảm bảo.
Đây cũng là lý do vì sao lãi suất tiết kiệm nhích lên và theo dự báo của Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Trung Minh, từ nay đến cuối năm, áp lực tăng lãi suất tiết kiệm sẽ vẫn còn, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12 như dự báo. Hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất được công bố là 7,7-7,8%/năm tại một số ngân hàng nhỏ, song thực tế, vẫn có một số nhà băng “âm thầm” cộng thêm biên độ lãi suất để thu hút tiền nhàn rỗi.
Mặc dù vậy, việc tín dụng có tăng đột biến trong những tháng cuối năm như kỳ vọng của các nhà băng hay không vẫn là vấn đề được cân nhắc. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế dần cải thiện, song khó có thể đột biến và tín dụng không dễ tăng cao trong bối cảnh hiện nay. Lãi suất cho vay vẫn là rào cản đối với người cần vốn…
Nửa cuối năm: Tiếp tục cải thiện, song khó đột biến
Room tín dụng còn lại cho nửa cuối năm được đánh giá là điều kiện tốt cho các ngân hàng trong tăng trưởng hoạt động cho vay. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2016 là 18-20%, tính đến giữa tháng 8, chỉ mới sử dụng hết một nửa. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, room tín dụng còn lại khoảng 9-10% là dư địa lớn để các ngân hàng sử dụng.
Lãnh đạo các nhà băng cũng cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên, ngay cả khi sử dụng hết room, các nhà băng sẽ trình lên NHNN xin nới thêm để có thể mở rộng cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề nợ xấu và lãi suất. Theo phân tích của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, hiện nhu cầu vốn của doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại và các ngân hàng cũng cạnh tranh mạnh về lãi suất. Nhưng do nhiều doanh nghiệp chưa tất toán được các khoản nợ cũ, nên chưa thể cho vay. Vả lại, nợ xấu đang có dấu hiệu tái tăng, buộc ngân hàng phải rà soát kỹ để hạn chế nợ xấu, nên tín dụng khó kỳ vọng ở mức cao.
Trong nội dung Dự thảo Đề án tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó có lĩnh vực ngân hàng do Bộ kế hoạch và Đầu tư soạn thảo cũng nhấn mạnh, chính việc xử lý nợ xấu còn gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian qua. Trong khi, lãi suất luôn là “thước đo” đối với doanh nghiệp trong quá trình sử dụng vốn vay.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, so với giai đoạn khủng hoảng, lãi suất đầu ra hiện nay đã giảm nhiều và khá cạnh tranh. Tuy nhiên, mức lãi suất cạnh tranh đó chỉ được ưu tiên cho một số đối tượng khách hàng lớn, có “sức khỏe” tốt. Còn lại các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn gặp khó khăn khi phải tiếp cận vốn lãi suất cao, nhất là vốn trung-dài hạn, ở mức trên dưới 10%/năm. Vì vậy, dẫu nhu cầu sử dụng vốn vay gia tăng, song không ít doanh nghiệp phải tìm kênh huy động khác.
Trong khi đó, chi phí đầu vào của ngân hàng cũng khó giảm, nên chủ trương giảm lãi suất cho vay là không dễ thực thi. TS. Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế nhận định, trước diễn biến thị trường hiện nay, để giữ ổn định được lãi suất đã là khó, chứ chưa nói đến giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, về mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay, theo TS. Lịch, khả năng đạt được là có thể. Bởi dư nợ đã cải thiện tích cực trong 7 tháng qua, mà nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với doanh nghiệp sẽ cải thiện vào cuối năm. Vấn đề quan trọng là lãi vay, đặc biệt là lãi suất vay vốn trung- dài hạn, cần được cân nhắc.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, lãi suất khó giảm, nếu không muốn nói là tăng. Bởi Việt Nam vẫn đang phải cân đối giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô, nên khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các ngân hàng phải kiểm soát lãi vay, vì nếu tăng lãi suất sẽ làm giảm nhu cầu vốn của khách hàng.
Trước áp lực lãi suất đầu vào đè nặng lên chi phí, khiến ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, các ngân hàng, nhất là những nhà băng nhỏ, nên thận trọng trước cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Bởi dư nợ tín dụng được dự báo sẽ cải thiện, nhưng khó có thể tăng đột biến. Mặt khác, lãi suất đầu ra khó tăng theo chi phí đầu vào sẽ là gánh nặng đối với các nhà băng.