TikTok Shop trên đường trở thành đối thủ tiềm tàng của gã khổng lồ Amazon
TikTok Shop đang trên đường trở thành một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất tại Đông Nam Á. Thành công tại khu vực này của TikTok Shop là điều rất quan trọng với TikTok khi ứng dụng xem video dạng ngắn đang đối mặt nguy cơ bị cấm tại Mỹ, theo Bloomberg.
Trong trường hợp được phép tiếp tục hoạt động tại Mỹ, những thành công mà TikTok Shop đang có được có thể trở thành nền tảng để sàn TMĐT này tạo thách thức với ông lớn Amazon, theo cách mà chưa công ty truyền thông mạng xã hội nào từng thử trước đây.
Indonesia là thị trường đầu tiên của TikTok Shop và vẫn là thị trường lớn nhất của nó tại Đông Nam Á. TikTok Shop dự kiến sẽ đạt 20 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào cuối năm nay, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó.
Vào tháng 6, CEO TikTok Shou Zi Chew đã đến thăm Jakarta và hứa sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong vòng 3 đến 5 năm tới. Điều đó hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của ông hồi đầu năm nay tại Washington, nơi ông đã trải qua một phiên điều trần kéo dài 5 giờ trước Quốc hội Mỹ.
TikTok Shop bắt đầu ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Điều này diễn ra khi ByteDance (công ty mẹ TikTok) tìm cách mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nơi công ty phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và pháp lý.
Trong những ngày đầu tiên, dự án TMĐT toàn cầu được đặt tên là “Magellan XYZ” theo tên của Ferdinand Magellan, một nhà thám hiểm sống ở thế kỷ 16. Ban đầu, công ty giới thiệu nó như một tính năng ngầm dành cho những người tiêu dùng trẻ tuổi ở Indonesia.
Thông qua các đại lý, dự án đã thu hút hàng trăm người phát trực tiếp. Những người này đã tự quay các video bằng điện thoại di động nhằm bán các mặt hàng khác nhau. Kể từ đó, các hoạt động đã trở nên phổ biến hơn.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tại Indonesia đã lập các tài khoản TikTok để tự quay, hoặc hợp tác với những người có ảnh hưởng (Influencers) để quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp trên mạng xã hội này.
Một trong những yếu tố giúp TikTok Shop trở nên phổ biến đó là các video được phát giữ được sự gần gũi, thay vì hơi hướng chuyên nghiệp như trên Instagram, giúp người mua sắm có cảm giác gắn kết nhiều hơn với người bán.
Suanto là một trong những người có ảnh hưởng tại Indonesia hoạt động nổi bật trên TikTok Shop. Người đàn ông 36 tuổi này trước đây được biết đến với các bài đánh giá về thiết bị trên YouTube, nhưng giờ đã chuyển sang TikTok Shop để bán điện thoại Samsung và túi Louis Vuitton.
Anh nói rằng số tiền kiếm được từ tiền hoa hồng và các hợp đồng thương hiệu trên TikTok Shop nhiều gấp khoảng ba lần số tiền mà anh kiếm được thông qua các bài đánh giá sản phẩm trên YouTube.
David Nugroho, CEO DCT Agency có trụ sở tại Jakarta, cho biết: “TikTok có lợi thế lớn vì những video trên nền tảng này thú vị và tự nhiên hơn”.
Kế thừa kinh nghiệm từ thị trường Trung Quốc
TikTok Shop và TikTok là một phần giúp ByteDance trở thành kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) giá trị nhất thế giới, được định giá hơn 200 tỷ USD, chỉ trong một thập kỷ.
Các trang mạng xã hội của Mỹ đã cố gắng tung ra các dịch vụ tương tự, nhưng người dùng ở đó chưa bao giờ mua sắm trực tiếp theo cách mà người dùng ở Trung Quốc và Đông Nam Á đã làm.
Instagram, thuộc sở hữu của Meta, đã ngừng cho phép người dùng gắn thẻ sản phẩm khi phát trực tiếp kể từ tháng Ba. YouTube và Amazon cũng từng thử nghiệm cung cấp dịch vụ mua sắm thông qua các video phát trực tiếp, nhưng không đạt được nhiều dấu ấn.
Tại Indonesia, TikTok Shop đã tham gia vào một thị trường mà người tiêu dùng đã quen với việc dành hàng giờ trên smartphone để giải trí và mua sắm. Những công ty tiên phong về TMĐT là Tokopedia và Lazada đã chi hàng tỷ USD giúp thiết lập mạng lưới giao hàng trên toàn Indonesia. TikTok Shop tiến vào sau, và tận dụng được tất cả những gì các công ty đi trước đã làm.
TikTok cũng được hưởng lợi từ chuyên môn có được thông qua ứng dụng “chị em” Douyin, nền tảng tương tự TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Trung Quốc cũng đi trước nhiều năm so với phần còn lại của thế giới về các tính năng mua sắm trực tiếp.
Một phần quan trọng của kiến thức chuyên môn đó là các thuật toán. Trên cả Douyin và TikTok, các thuật toán giúp người dùng có thể xem video về các sản phẩm mà họ thực sự muốn mua.
Đối thủ tiềm tàng của Amazon
Mặc dù thành công của TikTok ở Indonesia có thể phần nào giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi tác động từ lệnh cấm tiềm tàng ở Mỹ, nhưng vẫn có những điều không chắc chắn.
Người dùng tại Indonesia vẫn kiếm được ít tiền hơn so với người dùng tại Mỹ. Theo công ty nghiên cứu Cube Asia, khách hàng của TikTok ở Indonesia chỉ chi trung bình khoảng 6 đến 7 USD để mua sắm trên TikTok Shop.
Đó là lý do mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn tại Mỹ, nhưng đây vẫn là thị trường quan trọng đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của TikTok.
TikTok vào tháng 11/2022 đã ra mắt tính năng mua sắm trong ứng dụng ở Mỹ. Kế hoạch tiếp theo của công ty là triển khai một thị trường, gần giống với một trang web mua sắm truyền thống hơn trong những tháng tới.
Thay vì tình cờ xem được video của những người bán hàng riêng lẻ thông qua nguồn cấp dữ liệu của họ, người tiêu dùng sẽ có thể tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm, tất cả ở cùng một nơi.
Các nhà sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc, trong các cuộc họp gần đây với các giám đốc bán hàng của ByteDance, đã được cung cấp các gói ưu đãi với mục đích cuối cùng là bán hàng vào thị trường Mỹ.
Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết TikTok đang thiết lập các kho hàng và cũng tích cực giới thiệu đến các thương hiệu về ý tưởng này.
Đó là một chiến lược khiến công ty trở nên khác biệt với các nền tảng xã hội có trụ sở tại Mỹ như Instagram và YouTube. Chiến lược này cũng đặt ra những thách thức cho gã khổng lồ Amazon trước sự sự vươn lên của TikTok trên chính sân nhà của mình.
Jianggan Li, CEO của công ty tư vấn Momentum Works, cho biết việc mở rộng mảng kinh doanh TMĐT của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ nhằm thu hút lượng người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao hơn, mà còn nhằm đạt được “lợi thế to lớn về sức mạnh đàm phán cho chuỗi cung ứng hệ thống hoàn thiện đơn hàng” của công ty.
Sẽ không dễ để TikTok đạt được những mục tiêu đã đề ra về hoạt động kinh doanh TMĐT tại thị trường Mỹ. Nếu muốn mở rộng hoạt động kinh doanh TMĐT tại Mỹ, TikTok Shop sẽ phải chấp nhận cạnh tranh cùng các đối thủ lớn như Temu và Shein, cũng như ông lớn Amazon.