TikTok Shop: Làn gió mới 'khuấy đảo' thị trường thương mại điện tử Việt, nhiều ông lớn phải e dè
Từ trước tới nay, người dùng tại Việt Nam dường như đã quen mặt với những cái tên phổ biến, chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Tiki hay phần nào đó là Sendo, Hotdeal,... Tuy nhiên, kể từ khi cái tên TikTok Shop xuất hiện tại Việt Nam, dường như thị trường TMĐT đã có những bước chuyển biến.
TikTok Shop – Đi sau không đồng nghĩa với đi chậm
TikTok Shop được biết tới là một tính năng TMĐT được tích hợp trong ứng dụng TikTok của kỳ lân nổi tiếng ByteDance. Việc ra mắt TikTok Shop là một động thái trong nỗ lực mở rộng phạm vi ra toàn cầu của ByteDance, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
TikTok Shop chính thức vào Việt Nam từ cuối tháng 4/2022. Mặc dù xuất hiện “khá muộn” so với các sàn TMĐT khác đang hoạt động tại Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki,... song TikTok Shop đã nhanh chóng để lại những dấu ấn nhất định.
Theo báo cáo về thị trường TMĐT năm 2022, Metric đã nhận xét rằng năm 2022 là năm trỗi dậy của TikTok Shop, một tính năng mua sắm trực tuyến được tích hợp trong ứng dụng mạng xã hội TikTok.
Theo thống kê của Metric, chỉ tính riêng trong tháng 11, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán đã phát sinh đơn hàng.
Mức doanh số này nếu tính riêng trong tháng 11 cũng đủ giúp TikTok Shop vượt qua Tiki (396 tỷ đồng), và chỉ kém Lazada (2.603 tỷ đồng) cũng như Shopee (8.761 tỷ đồng) trên bảng xếp hạng các sàn TMĐT có doanh số lớn nhất tháng tại Việt Nam.
Mức doanh thu trong một tháng của TikTok Shop đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56.6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Đây là các con số ấn tượng mà những sàn TMĐT khác phải mất nhiều năm mới xây dựng được.
Phân khúc sản phẩm có giá trong khoảng 100.000 đồng – 200.000 đồng đem lại mức doanh thu cao nhất cho các nhà bán trên sàn TikTok Shop, chiếm 39% với 647 tỷ đồng trong một tháng.
Cũng trong năm 2022, theo báo cáo về top 5 sàn TMĐT phổ biến nhất trên mạng xã hội của Reputa, TikTok Shop đã leo lên vị trí thứ ba dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 4, chỉ kém hai ông lớn là Shopee và Lazada, đồng thời “vượt mặt” những tên tuổi lâu đời hơn như Tiki (thứ 4) và Sendo (thứ 5).
Mới nhất, theo báo cáo về thị trường TMĐT quý I/2023 của Metric, TikTok Shop đã tiếp tục duy trì vị thế là một trong 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam xét trên nhiều yếu tố khác nhau.
Cụ thể, trong quý I, doanh thu của Shopee đạt mức 24.700 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất (63,1%) tổng doanh thu của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (7.500 tỷ đồng – chiếm 19,1% thị phần), TikTok Shop (6.000 tỷ đồng – chiếm 15,5% thị phần), Tiki (846,5 tỷ đồng – chiếm 2,2% thị phần) và Sendo (55 tỷ đồng).
Shopee cũng là sàn TMĐT có sản lượng sản phẩm bán ra nhiều nhất giai đoạn ba tháng đầu năm với 289,7 triệu sản phẩm. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (55,2 triệu sản phẩm), TikTok Shop (42,1 triệu sản phẩm), Tiki (2,8 triệu sản phẩm) và Sendo (290.000 sản phẩm).
Có thể thấy, những con số mà TikTok Shop đạt được đã dần tiệm cận với Lazada, một trong hai sàn TMĐT lớn nhất hoạt động tại Việt Nam suốt nhiều năm qua, đồng thời vượt trội so với phần còn lại, cho thấy sức bật của TikTok Shop lớn hơn nhiều các đối thủ dù là “người đi sau”.
Thành công dựa trên chiến lược “bán hàng cho người không có nhu cầu”
Chia sẻ với truyền thông, đại diện TikTok Shop Việt Nam cho biết ý tưởng của TikTok là bán hàng cho những người không có nhu cầu. Sau khi triển khai ý tưởng này, có những ngày TikTok ghi nhận 700.000 - 800.000 người mua hàng ở Việt Nam. Lượng người bán hàng cũng lên tới con số vài chục nghìn.
Nền tảng TikTok cung cấp ba loại dịch vụ. Đầu tiên, TikTok giúp người dùng được giải trí khi xem video. Thứ hai, nền tảng này nhắm mục đích đến việc giải trí nhằm phục vụ học tập, chẳng hạn như các kỹ năng nấu ăn, học tiếng Anh... Cuối cùng, TikTok cung cấp dịch vụ giải trí mua sắm. Người dùng xem TikTok sau khi thấy người khác mua, sẽ phát sinh hành vi mua sắm.
Cách làm của TikTok tạo ra cả cơ hội mua sắm cho người bán và người mua. Người bán có thêm nhiều hình thức để quảng cáo về sản phẩm của mình, đồng thời tối ưu chi phí marketing, trong khi người mua có cơ hội được mua sắm các sản phẩm với mức giá ưu đãi nhất.
Ngoài ra, nền tảng TikTok cũng là nơi giúp người bán hàng có thể áp dụng nghệ thuật kể chuyện (storytelling) khi quảng cáo về sản phẩm của mình, chẳng hạn như kể lại câu chuyện dẫn dắt tới nguyên nhân khiến họ dùng sản phẩm đó, qua đó giúp người xem, đồng thời là người mua tiềm năng có thể lắng nghe và đưa ra quyết định sau khi xem video.
Shoppertainment – Yếu tố cốt lõi tạo nên sự bứt phá cho TikTok Shop
Trái với những mô hình TMĐT thông thường trên các sàn TMĐT, TikTok Shop lại theo đuổi mô hình Shoppertainment (kết hợp giữa mua sắm và giải trí). Shoppertainment là một thuật ngữ được ghép giữa hai từ “Shopping” (mua sắm) và “Entertainment” (giải trí).
Thuật ngữ này có thể đề cập tới việc các trang TMĐT truyền thống hoặc các cửa hàng bán lẻ bổ sung các yếu tố giải trí vào trải nghiệm mua sắm của họ. Điều này đặc biệt đúng với các sàn TMĐT khi tạo ra các trải nghiệm kỹ thuật số sống động nhằm tăng doanh số bán hàng trực tuyến.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) về xu hướng Shoppertainment, mua sắm giải trí là "cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD" tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), mang đến cơ hội tương tác và thu hút bằng kỹ thuật số đối với khách hàng trên toàn khu vực.
Cụ thể, báo cáo của BCG cho biết giá trị thị trường dự kiến của Shoppertainment sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 500 tỷ USD trong năm 2022. Nhận định này được củng cố với chỉ số CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) dự kiến đạt hơn 63% trong giai đoạn trên, cùng với việc nhóm người dùng sử dụng công nghệ muốn gia tăng nhiều hơn trải nghiệm của họ với nhãn hàng.
Theo BCG công bố, 6 thị trường tăng trưởng chính tại khu vực APAC gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Đây là nhóm thị trường thúc đẩy tăng trưởng với tổng GMV thương mại điện tử tăng từ 500 tỷ USD lên 700 tỷ USD trong giai 2022-2025 và GMV từ Shoppertainment tăng từ 24 tỷ USD lên 100 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2025.
Việt Nam và Thái Lan thuộc nhóm thị trường ổn định, với thị phần Shoppertainment chiếm từ 25-40%, dung lượng thị trường dưới 15 tỷ USD. Đây được xem là nhóm thị trường "bàn đạp" cho việc mở rộng xu hướng mua sắm giải trí ở các quốc gia khác trong khu vực. Chính yếu tố này đã góp phần giúp TikTok Shop nhanh chóng khẳng định tầm ảnh hưởng, cũng như lọt top 3 sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam dù mới tiến vào thị trường Việt từ tháng 4/2022.