Tiêu thụ thuỷ sản của EU có thể giảm 7% trong năm 2022
Theo trang Undercurrent News, tiêu thụ thuỷ sản của 27 nước thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) được dự báo sẽ giảm xuống dưới 10 triệu tấn trong năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung từ Nga vẫn gặp vấn đề do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.
Hiệp hội Thương nhân và Chế biến Thuỷ sản EU (AIPCE-CEP) dự báo tiêu thụ thuỷ sản của EU được dự báo khoảng 9,42 triệu tấn trong năm 2022, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá nguyên liệu của EU tăng cao, gây áp lực lên sản xuất.
AIPCE-CEP cho biết “Các lệnh trừng phạt của EU khiến nguồn nguyên liệu thuỷ sản từ Nga trở nên phức tạp hơn”.
Trong khi đó, sự phụ thuộc vào nhập khẩu ngày càng gia tăng sau khi Anh rời EU. Khả năng tự chủ nguồn cung đối với thuỷ sản khai thác và nuôi trồng giảm xuống mức thấp nhất chưa từng có trong năm 2021.
Năm 2022, AIPCE-CEP dự báo khả năng tự chủ nguồn cung của EU giảm 33%. Trước đó, tỷ trọng tự chủ nguồn cung của nhóm nay trong năm 2021 là 35% và 41% trong năm 2020.
“Do hoạt động đánh bắt suy giảm và Anh rời EU nên sản lượng thuỷ sản nội khối lao dốc. Nghiên cứu cho thấy việc nhập khẩu từ các nước là điều vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu thuỷ sản của EU”, AIPCE-CEP nói.
AIPCE-CEP ủng hộ chính sách của EU trong việc tối ưu hoá nguồn cung thuỷ sản thông qua tăng sản lượng trong nước và các công cụ thương mại như hạn ngạch thuế quan tự chủ (autonomous tariff quotas). Theo đó, nếu lượng thuỷ sản nhập khẩu được hưởng thuế 0% theo các hiệp định thương mại tự do không đủ đáp ứng nhu cầu của các công ty chế biến thì tiếp tục được hưởng mức thuế thấp.
Điều này giúp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tạo thêm giá trị gia tăng cho thuỷ sản và việc làm cho người dân của các nước nội khối EU. Tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người giảm từ mức 22,6 kg trong năm 2021 xuống 21,1 kg trong năm nay, đồng thời đánh dầu năm giảm thứ hai liên tiếp.
Mặc dù hoạt động kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch ở Châu Âu và Mỹ, vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, gây cản trở cá giao dịch.
AIPCE-CEP nhận định “Trong khi nền kinh tế dần phục hồi sau hai năm đại dịch, nguồn cung vẫn đang tụt hậu sau với nhu cầu trong nhiều lĩnh vực, dẫn đến áp lực lạm phát gia tăng đáng kể. Giá năng lượng tăng chưa từng có làm chi phí sản xuất lương thực toàn cầu tăng cao. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga càng làm nguồn cung trở nên phức tạp và giá tăng hơn”