Tiêu thụ thịt heo tăng trở lại
Khảo sát tại các chợ lẻ ở TP HCM như Thái Bình, Thị Nghè, Bà Chiểu, Hòa Bình…, chúng tôi ghi nhận giá thịt heo bán lẻ khá cao: thịt đùi vẫn ở ngưỡng 80.000 đồng, thịt nạc 100.000 đồng, ba rọi 100.000 đồng, sườn non 130.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, nhiều loại thịt heo đang bán theo giá bình ổn thị trường nhưng vẫn cao hơn so với giá chợ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt đùi 100.000 đồng, thịt vai 95.000 đồng, ba rọi 122.000 đồng, thịt nạc 112.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thị gà tại các chợ lẻ cũng nhích lên vài ngàn đồng/kg. Gà công nghiệp lên 45.000 - 47.000 đồng, gà ta 110.000 - 120.000 đồng/kg.
Bà Hiền, kinh doanh gà tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết một số người ngại dịch tả châu Phi nên không mua thịt heo, chuyển sang ăn gà nên tiêu thụ thịt gà tăng khoảng 5%-10%.
Theo giới kinh doanh, nguồn cung thịt gà dồi dào lại đang rơi vào các tháng nghỉ hè nên sức tiêu thụ chưa cao. Do đó, giá gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi vẫn ổn định ở mức 28.000 - 30.000 đồng/kg.
Với thịt bò, sức tiêu thụ cũng chỉ tăng nhẹ, giá dao động từ 220.000 - 240.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết lúc mới có thông tin dịch bệnh, nhiều người chuyển sang ăn cá, gà, thịt bò, hải sản thay thế thịt heo.
Tuy nhiên, được vài ngày, người dân đã quay lại mua thịt heo vì thói quen tiêu dùng này quá phổ biến.
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn từ đầu tháng 7 đến nay cho thấy lượng heo về chợ hằng ngày vẫn duy trì ở mức cao, từ 4.932 - 5.899 con. Ngày 13-7, giá thịt heo mảnh sỉ tại chợ này đã tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg (tùy loại).
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, so với đầu tháng, nhìn chung giá thịt heo có nhích lên nhưng so với điều kiện thị trường bình thường, không có dịch bệnh thì giá vẫn còn ở mức thấp.
Người tiêu dùng đang quay lại với thịt heo. Ảnh: NGỌC ÁNH
Bà T.T.L, chủ một cơ sở chế biến thực phẩm lớn ở Bình Dương, cho hay sau một thời gian người tiêu dùng có tâm lý sợ thịt heo vì lo dịch bệnh tả châu Phi thì nay, họ đã bình tĩnh với loại bệnh không lây qua người này.
"Thịt heo chiếm trên 70% lượng tiêu thụ thịt của người tiêu dùng Việt Nam nên không dễ thay đổi thói quen.
Vài tháng trước, người tiêu dùng sợ cả xúc xích heo, chuyển sang xúc xích gà, bò thì nay, họ quay lại mua sản phẩm cũ.
Ngoài ra, giá heo nhập khẩu tăng cũng kéo giá thị trường tăng lên. Nguyên nhân thịt heo nhập tăng chủ yếu là do Trung Quốc tăng mua để bù lượng hụt vì chăn nuôi trong nước gặp dịch bệnh.
So với đầu năm 2019, giá hầu hết các mặt hàng đều tăng, riêng mỡ heo tăng gần gấp đôi, từ mức 20.000 - 22.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg" - bà L. dẫn chứng.
Sức mua tại chợ vẫn chậm
Cuối tháng 6-2019, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường mặt hàng thịt gia cầm và thịt heo, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và các chợ đầu mối về tình hình tiêu thụ các mặt hàng, phương án chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường các tháng cuối năm.
Theo báo cáo của những DN bình ổn thị trường, tình hình tiêu thụ thịt heo giảm nhẹ so với trước khi có dịch. Sản lượng tiêu thụ thịt gia cầm tăng 10%-15% do là sản phẩm thay thế, giá ổn định, DN bình ổn cung ứng đều.
Một số DN như Vissan, San Hà, Saigon Co.op đã đàm phán, có phương án nhập khẩu thịt heo, thịt gà đông lạnh trong trường hợp thị trường biến động mạnh (45 - 60 ngày), đồng thời sẵn sàng trữ đông khi cần.
Các đơn vị kinh doanh sẵn sàng tăng đàn, tăng sản lượng thịt gia cầm, kịp thời bù đắp nguồn thịt heo thiếu hụt.
Các DN cho biết dù thịt heo đang được tiêu thụ tăng trở lại nhưng nhìn chung, sức mua tại chợ vẫn chậm. Tại các siêu thị, sức mua thịt heo tăng nhẹ. Người tiêu dùng do lo ngại dịch bệnh nên giảm mua ở kênh chợ truyền thống.
T.Nhân