Tiêu chín sớm, người trồng tất bật kiếm người thu hoạch
Năm nay tiêu chín sớm, nên hiện nay tiêu đã chín đỏ trên cây, nếu không thu hoạch kịp sẽ bị rụng và gây kiệt sức cho cây. Tuy nhiên, giá tiêu rớt xuống thấp chỉ 58 - 59 nghìn đồng/kg, trong khi đó nhân công khan hiếm nên giá cao từ 280 - 300 nghìn đồng/người/ngày, thu không đủ chi khiến nhiều nhà vườn lo lắng.
Gia đình anh Lê Xuân Liên, ngụ ấp 2, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc nhiều ngày qua phải tất bật tìm kiếm ngược xuôi mới tìm được 4 nhân công hái tiêu người tận tỉnh Ninh Thuận. Vườn tiêu 1,1 ha của gia đình anh đến ngày mùng 9 tháng Chạp đã chín đỏ rực và rụng đầy gốc, anh phải mua lưới đen về rải khắp vườn để hứng tiêu rụng xuống khi không kịp thu hoạch. Nếu không rải lưới tiêu chín rụng sẽ bị thất thoát rất nhiều.
Anh Liên chia sẻ, vườn tiêu của gia đình vụ này được mùa hơn năm ngoái, dự kiến thu được khoảng 4 tấn/ha thay vì 3,2 tấn/ha như năm ngoái. Vụ tiêu cũng chín sớm, thay vì ra Tết mới được thu hoạch như mọi năm, thì vụ tiêu này gia đình anh Liên đã phải thu từ ngày 15 tháng Chạp.
"Năm 2022 thời tiết thất thường mưa nhiều nên hiện nay công nhân cao su vẫn chưa kết thúc việc cạo mủ, việc kiếm công lao động rất khó khăn, vì hầu hết trước đó lao động đều đã được thuê đi cạo mủ. Với 4 công hái tiêu này, chắc khoảng 1 tháng rưỡi nữa gia đình tôi mới hái xong vụ tiêu", anh Liên lo lắng cho biết.
Tìm kiếm nhân công khó khăn, giá nhân công hái tiêu tăng cao, trong khi đó hiện nay giá bán tiêu đang ở mức thấp nhưng may mắn là vườn tiêu năm của gia đình anh Liên vụ này trúng mùa nên sau khi trừ chi phí gia đình anh Liên lời 100 triệu đồng cho vụ tiêu này.
Gia đình bà Lê Thị Hoàn, ngụ ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức đang canh tác 1,3 ha tiêu đã trồng được 10 năm cũng chia sẻ, bắt đầu từ mùng 6 Tết gia đình đã phải huy động hết bà con họ hàng, anh em ở gần được 10 công hái tiêu, với chi phí 280 nghìn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, đến ngày mùng 10 Tết chỉ còn lại 6 công, do 4 nhân công còn lại sẽ trở lại công ty để làm việc.
Bà Hoàn cho biết, năm nay vườn tiêu của gia đình không trúng mùa, với diện tích 1,3 ha chỉ thu được hơn 1 tấn tiêu, trong khi đó chi phí đầu tư phân, thuốc, nhân công đã lên tới hơn 70 triệu đồng, với giá bán tiêu như hiện nay gia đình bà cầm chắc thua lỗ.
"Giá tiêu rớt sâu trong khi giá nhân công, phân, thuốc liên tục tăng nên nhiều năm nay gia đình tôi lỗ nặng. Nhưng lỡ đầu tư nhiều tiền bạc công sức, giờ bỏ vườn tiêu cũng không biết làm gì để sống", bà Hoàn buồn rầu chia sẻ.
Gia đình anh Trịnh Văn Tân, ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức cho biết, năm nay tiêu chín sớm đồng loạt nên trước Tết cả tháng các hộ dân đã phải vào vụ thu hoạch. Ngay mùng 4 Tết đã phải ra vườn hái tiêu. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lao động hái tiêu gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn lao động.
"Tôi phải liên hệ khắp nơi, huy động thêm họ hàng mới được 10 công hái tiêu. Vườn tiêu 5 sào phải hơn 110 công mới hái xong. Tôi còn 1 vườn tiêu nữa khoảng 6 sào đã chín đỏ, trái rụng đầy gốc cần phải khẩn trương thu hái mà giờ chưa thuê được người", anh Tân nói thêm.
Hiện công hái tiêu tại địa phương được trả từ 280 - 300 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, chủ vườn còn hỗ trợ thêm tiền mua nước uống, ăn trưa cho lao động ở xa tới hái tiêu. Tuy nhiên, lao động trẻ ở địa phương hiện nay chủ yếu đi làm ở nhà máy, xí nghiệp. Số còn lại thì đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn, đỡ nguy hiểm hơn vì việc hái tiêu phải lep trèo trên cao.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức - địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với hơn 5.700 ha đã vừa ra văn bản về việc hỗ trợ thu hoạch tiêu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Theo đó, văn bản nêu rõ nếu tính chi phí thì hiện nay nông dân không đủ chi phí cho việc thu hoạch tiêu, khi giá bán chỉ từ 58 - 59 nghìn đồng, công lao động thì từ 280 - 300 nghìn đồng/kg.
Chính vì vậy, nhằm hỗ trợ cho nông dân thu hoạch vụ tiêu năm 2023, UBND huyện Châu Đức yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát, thống kê số hộ nông dân có nhu cầu hỗ trợ thu hoạch hồ tiêu; tổng hợp số lượng và đề xuất cụ thể gửi về Ủy ban nhân dân huyện (thông qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 5/2/2023 để huy động lực lượng hỗ trợ việc thu hoạch hồ tiêu cho nông dân.
Cùng với đó, căn cứ vào nhu cầu hỗ trợ thu hoạch hồ tiêu của nông dân, đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phòng nông nghiệp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện đề xuất Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn bộ binh 302 hỗ trợ lực lượng giúp nông dân thu hoạch hồ tiêu kịp thời vụ.
Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội huyện tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trong tổ chức mình chủ động huy động nhân lực thu hoạch hồ tiêu của gia đình đúng thời vụ; phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân thu hoạch hồ tiêu; vận động đoàn viên, hội viên tham gia hỗ trợ người dân thu hoạch hồ tiêu và tổ chức quản lý tốt lực lượng của tổ chức mình trong suốt thời gian hỗ trợ người dân thu hoạch hồ tiêu.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang canh tác gần 10.700 ha hồ tiêu, giảm hơn 800 ha so với đầu năm 2022.
Ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo bà con nông dân, thị trường hồ tiêu luôn bấp bênh lên xuống thất thường, do đó, bà con nông dân trồng tiêu cần thận trọng trong việc tái đầu tư, tránh đầu tư cao, chuyển qua các hình thức đầu tư trung bình và đầu tư thấp, tập trung, chú trọng chăm sóc, phục dưỡng những diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững, để tránh rủi ro.
Đối với những diện tích tiêu già cỗi, không còn phù hợp bà con nông dân nghiên cứu để chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp, tránh để lãng phí diện tích đất mà năng suất, chất lượng vườn cây không còn.