|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng NN&PTNT: Ngành nông nghiệp sẽ không còn theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng

08:00 | 23/01/2023
Chia sẻ
Những thay đổi trong tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ. Ngành nông nghiệp sẽ không còn lấy tiêu chi sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa và chuyển sang tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn. Toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Nhân dịp đầu xuân năm mới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi chia sẻ với báo chí về những kết quả của năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: H.Mĩ

Năm 2022, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36% và kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế. Với cương vị là người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Trong năm 2022, dù rất nhiều khó khăn về dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng…nhưng ngành nông nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua để đạt được những kết quả trên. Dù chưa thực sự như kỳ vọng của chúng tôi nhưng đây cũng là thành quả đáng tự hào không phải ở con số - thứ chúng ta nhìn thấy được mà là sự ghi nhận của xã hội đối với ngành nông nghiệp, làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, đảm bảo được an ninh lương thực.

Có rất nhiều quốc gia ảnh hưởng bởi chuỗi sản xuất ngành nông nghiệp nhưng chúng ta vẫn đứng vững. Trong những tháng cuối năm, nhiều quốc gia tìm đến chúng ta để hợp tác nhằm đảm bảo an ninh lương thực của nước họ. 

Xứ mạng của ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn đảm bảo việc làm cho người dân, nông dân. 

Những thay đổi trong tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ. Ngành nông nghiệp sẽ không còn lấy tiêu chi sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa và chuyển sang tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. 

Vai trò định vị thị trường còn quan trọng hơn là sản xuất. Nếu sản xuất mà không có thị trường thì sẽ bị tắc nghẽn. Chúng ta sản xuất những thứ thị trường cần chứ không sản xuất những gì chúng ta có. Chúng ta mở nhiều thị trường và đa dạng hoá nguồn tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn là nông sản của chúng ta đã đáp ứng được nhiều thị trường khó tính. 

Chiến lược phát triển nông nghiệp đã bắt đầu lan toả ra nhận thức xã hội về chuyển tư duy phát triển nông nghiệp sang mô hình mới dựa trên tích hợp nhiều giá trị. Những mô hình phát triển mới như lúa - tôm, lúa - rươi, du lịch nông nghiệp tạo ra sản phẩm hữu cơ tạo ra sinh khí mới.

Bước sang năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo rằng kinh tế sẽ còn nhiều thách thức khi đối diện với nguy cơ suy thoái. Vậy theo ông, ngành nông nghiệp cần làm gì để vượt qua những khó khăn này?

Không chỉ riêng năm 2023 với những rủi ro về suy thoái kinh tế, khó khăn thách thức sẽ còn bám theo người nông dân, đặc biệt là những yếu tố khó lường của thị trường. Đơn cử như khi xuống giống lúa, ba tháng sau thu hoạch thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường lúc đó; thành ra lời nguyền “được mùa mất giá” cứ mãi bám theo. 

Đẻ giải quyết điều này chỉ cần cách nghĩ khác đi. Đầu tiên là tổ chức lại sản xuất vì muốn có thị trường lâu dài thì phải vượt qua điểm yếu tồn tại bao nhiêu năm nay là sản xuất manh mún tự phát. Chúng ta kết nối thành chuỗi, hình thành lối tư duy hợp tác, liên kết, người nông dân hình thành chuỗi.

Việc điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp lại một phần là do chúng ta thiếu thông tin. Người sản xuất chỉ làm theo thói quen, theo kiểu đánh cược vì không biết 3 tháng tới thị trường lúa gạo thế nào. Do đó, khi người nông dân hợp tác với nhau tạo thành một cộng đồng chung, giới chuyên gia, doanh nghiệp hay lãnh đạo địa phương sẽ dễ dàng truyền tải thông tin thị trường và có những khuyến cáo cho sản xuất, giảm rủi ro cho bà con xuống. 

Tôi lấy ví dụ vừa rồi khi Trung Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường này, giá sầu riêng tăng vọt. Nhiều hộ dân đã chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng.

Đó là vấn đề lớn vì chúng ta vận hành ngành nông nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường. Thị trường không phải một người bán một người mua mà vạn người bán, vạn người mua. Không phải chỉ mình Việt Nam được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mà Thái Lan hay Malaysia họ đã làm rất lâu rồi và chúng ta rất khó để tiên lượng sản lượng của họ là bao nhiêu.

Chúng ta không có quyền áp đặt bà con không được trồng sầu riêng nữa nhưng làm sao để thông tin đến bà con một cách đầy đủ nhất để họ không chuyển rủi ro này thành rủi ro khác, chủ động sản xuất có kế hoạch. Do đó, việc có cộng đồng và không gian chung của người nông dân sẽ giúp chính quyền địa phương, chuyên gia truyền tải tốt hơn về cách ứng phó với những biến động thị trường. 

Còn về lâu dài, chúng ta đẩy mạnh hoạt động chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn thay vì bán thô. Chúng ta cũng đàm phán để xuất khẩu sang nhiều thị trường, tạo ra những sản phẩm với những phân khúc khác nhau thay vì “mặc đồng phục” cho toàn bộ sản phẩm nông sản. 

Năm 2023, chúng ta sẽ đi sâu vào câu chuyện tạo ra nhiều việc làm cho bà con nông dân, muốn vậy, hình thái của hợp tác xã khác đi, tạo ra nhiều việc làm. Những con số thời gian vừa qua chúng ta chưa đong đếm được là tạo ra bao nhiêu việc làm. Cuối cùng của tăng trưởng là tạo ra việc làm, giải quyết lao động. Chúng ta phải tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn từ dịch vụ đến phi nông nghiệp nông thôn. 

Trong một lần trả lời báo chí, Bộ trưởng có nhắc đến khái niệm “Less is More” (tạm dịch “Ít nhưng lại được nhiều”). Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về khái niệm gắn liền với sự thay đổi trong tư duy làm nông nghiệp thế nào?

“Less is More” hay nói cách khác là “More from Less” tức là ít hơn để được nhiều hơn đang là xu thế của thế giới khi sử dụng công nghệ để tối ưu hoá sản xuất. Những thứ tưởng chừng như không bao giờ dùng đến nhưng bây giờ đã có thể tái chế để thành nguyên liệu cho ngành sản xuất bằng việc áp dụng công nghệ. Đó chính là kinh tế tuần hoàn.

Ví dụ như bà con trồng cà phê thay vì dùng phân bón hoá học thì có thể sử dụng phế phẩm như vỏ cà phê, kết hợp với các loại men vi sinh khác để làm phân hữu cơ. Bên cạnh đó, họ cũng có thể dùng ớt, tỏi để làm thuốc trừ sâu sinh học.

Tôi có nói chuyện với một số người nông dân Tây Nguyên sử dụng phương pháp này và họ nói tuy chi phí tăng lên và năng suất có giảm đi một chút nhưng giá bán lại có hơn rất nhiều so với việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hoá học.

Thời gian vừa rồi, khi giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng chóng mặt thì thay vì than khóc tại sao chúng ta không áp dụng những mô hình đó? Nhiều hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên nói rằng giá phân đắt quá nên dùng phế phẩm nông nghiệp sẵn có trong nhà để ủ phân vì ngày xưa ông bà mình cũng từng làm như thế, có điều ta dùng men vi sinh để ủ nhanh hơn thôi những cái đó thế giới đã áp dụng.

Tư duy nông nghiệp tuần hoàn nằm ở đó, chúng ta không nhắm đến tăng sản lượng nữa mà nhắm đến chất lượng và giá bán cao hơn nhưng rất tiếc thời gian vừa rồi Bộ chưa làm tốt vai trò lan toả những mô hình đó.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ giao cho trung tâm khuyến nông làm việc này, đưa hết mô hình kinh tế tuần hoàn lên sàn để ai cũng có thể tiếp cận được cách làm, tiêu chuẩn chung cho quy mô nông hộ, hợp tác xã. 

Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp FDI để phát triển các vùng nguyên liệu. Chúng tá cố gắng tối đa hoá nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, hướng tới việc giảm tỷ lệ nhập khẩu. Đương nhiên, việc nhập khẩu là chuyện bình thường bởi mỗi nước có thế mạnh sản xuất riêng và giá rẻ hơn mình làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải đáp ứng một phần trong nước. 

Trung Quốc ngày càng khó tính hơn, ngành nông nghiệp có lo ngại điều này?

Thị trường Trung Quốc trước đây là dễ tính, và chúng ta đã quá quen cho một thị trường dễ tính. Trước đây có khi chỉ cần đẩy thuyền qua sông là có thể bán hàng sang đó nhưng giờ đã khác. Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ họ khó tính với mình nhưng không phải vì thành phần trung lưu ở trung quốc đã nhiều rồi với 500 triệu người.

Nhu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao hơn với tất cả các nước chứ không riêng chúng ta. Chúng ta nên thấy rằng đó là cơ hội cho chúng ta thay đổi. Có thể ban đầu chúng ta thấy rằng điều này sẽ khó khăn nhưng về lâu dài nó mới là bền vững, xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch, có sự hỗ trợ của nhà nước hai bên để thoát đi những cái xuất khẩu tiểu ngạch rủi ro. 

Mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn nữa. Tôi mong rằng cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng dấn thân và chúng ta tham gia vào hệ thống nông nghiệp toàn cầu. 

Xin chần thành cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!

H.Mĩ