|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Tiết kiệm nhiều gấp 3 lần ở tuổi 40 với những phương pháp đơn giản

07:00 | 26/10/2020
Chia sẻ
Vào sinh nhật lần thứ 40, nếu bạn đã thực sự ổn định về mặt tài chính với khoản tiết kiệm nhiều hơn gấp vài 3 lần so với mục tiêu ban đầu thì có nghĩa là bạn đã rất xuất sắc khi quản lí tiền bạc.

Để sống thoải mái với quĩ tiết kiệm đủ để trang trải cho mọi nhu cầu và nghỉ hưu ở tuổi 60, các chuyên gia tài chính chuyên cung cấp kế hoạch hưu trí của công ty Fidelity Investments (Mỹ) đã đề xuất mục tiêu tiết kiệm gấp 3 lần thu nhập khi bạn bước sang tuổi 40. Dưới đây là 3 mẹo cần cân nhắc khi xây dựng mạng lưới tiết kiệm ở tuổi 40, theo CNBC.

1. Bỏ tiền của bạn vào tài khoản tiết kiệm lãi suất cao

Khi gần 40 tuổi, rất có thể bạn đã có một tài khoản tiết kiệm nhiều năm nhưng đó cũng chưa chắc đã là cách tốt nhất để bạn kiếm được nhiều tiền nhất. Các nguyên tắc tiết kiệm theo độ tuổi của Fidelity bao gồm khuyến nghị rằng người tiêu dùng nên tiết kiệm 15% thu nhập của họ mỗi năm (kể từ khi 25 tuổi) và đóng góp cho quĩ hưu trí tự nguyện.

Tuy nhiên, bạn có thể kiếm được nhiều hơn nữa với tài khoản tiết kiệm phù hợp. Tài khoản tiết kiệm lãi suất cao sẽ cung cấp khoản lợi tức cao hơn nhiều so với tài khoản tiết kiệm truyền thống, đồng thời giúp bạn dễ dàng tiếp cận số tiền mặt bạn cần trong các tình huống bất khả kháng. 

Sử dụng tài khoản tiết kiệm lãi suất cao kết hợp với tài khoản đầu tư giúp số tiền của bạn không ngừng tăng lên.

2. Bắt đầu tiết kiệm từ sớm cho việc học đại học của con bạn

Tiết kiệm nhiều gấp 3 lần ở tuổi 40 với những phương pháp đơn giản - Ảnh 1.

Tiết kiệm nuôi con học đại học là một bước quản lí tài chính quan trọng bạn không nên bỏ qua. (Nguồn: CNBC).

Các bậc cha mẹ ở độ tuổi 30 đừng quên ghi nhớ khoản tiết kiệm học đại học của con mình ngay từ sớm. Tiết kiệm đại học cho con cái của bạn có thể không tương quan trực tiếp với tiết kiệm hưu trí của chính bạn, nhưng bắt đầu quĩ đại học sớm có thể hạn chế nguy cơ bạn phải đối mặt với căng thẳng tài chính và thậm chí là giúp bạn dư dả hơn, tránh các vấn đề liên quan đến khoản vay sinh viên.

Chia khoản tiết kiệm ra làm các phần khác nhau trong mỗi giai đoạn khác nhau và vì mục tiêu khác nhau là động lực để bạn không ngừng tiến về phía trước. Tùy thuộc vào thu nhập thực tế mà bạn tiết kiệm nhiều hay ít nhưng thói quen để dành tiền cần được duy trì trong thời gian dài thì mới hiệu quả. 

Những khoản tiền tiết kiệm để xây nhà, nuôi con học đại học gần như là số tiền mà bạn biết chắc rằng mình sẽ cần đến, vì thế càng chuẩn bị từ sớm thì bạn càng chủ động hơn.

3. Tăng đóng góp hưu trí tự nguyện của bạn

Sẽ là tốt nhất nếu bạn có công việc toàn thời gian từ những năm ngoài 20 tuổi và không bị gián đoạn bởi ốm đau hay thất nghiệp kéo dài. Như vậy, bạn có thể khởi động quĩ hưu trí tự nguyện của mình (và duy trì đóng bảo hiểm xã hội liên tục 30 năm). 

Bên cạnh đó, khi lương của bạn tăng lên ở độ tuổi 30 hay khi bước vào độ tuổi 40, bạn cần xem xét lại xem hiện tại tiền nghỉ hưu của bạn là bao nhiêu và bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn hay không.

Ở nước ngoài thì các cố vấn tài chính khuyên rằng mọi người nên đóng góp từ 10% đến 20% tiền lương vào quĩ hưu trí.

Nếu bạn gần 40 tuổi và chưa tiết kiệm được nhiều gấp 3 lần như mục tiêu của mình thì cũng đừng lo lắng. Bạn có thể tìm những cách đơn giản để tăng thu nhập như tìm việc làm thêm, kinh doanh buôn bán vào thời gian rảnh. 

Rất khó tăng tiết kiệm nên thu nhập không tăng nên bạn cần kiếm nhiều hơn trước khi để dành nhiều hơn. Sau đó, bạn hãy cân nhắc đến việc thay đổi chiến lược dựa trên những mẹo kể trên, nhất là chuyển sang những tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.

Thu Phương