|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Những tư duy sai lầm về việc tiết kiệm tiền

07:00 | 07/10/2020
Chia sẻ
Tiết kiệm tiền đối với nhiều người là một thói quen tốt, giúp họ tránh được những rủi ro nếu chẳng may có điều xấu ập đến. Tuy nhiên, tiết kiệm tiền chưa thực sự khiến cho chúng ta "giàu" hơn mà đôi khi còn kéo ta vào vòng xoáy tiền bạc dẫn đến tâm lí không tốt.

Nhiều người trong số chúng ta thường có tư duy rằng "tiết kiệm là tốt", cống hiến hết mình cho sự nghiệp để kiếm tiền. Tuy nhiên, một chuyên gia chỉ ra rằng nếu chúng ta làm việc vì tiền mà không hiểu cách thức hoạt động của tiền, rất có thể chúng ta sẽ bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc khiến ta mệt mỏi, thậm chí là tổn thương.

Tiết kiệm - Ảnh 1.

Những tư duy sai lầm về việc tiết kiệm tiền. (Ảnh minh họa: Artstation/NoelleBranstetter)

Với 8 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và vốn hiểu biết về chứng khoán của mình, anh Tim Denning, một cây viết về tài chính cho các trang báo như CNBC hay Business Insider, cho rằng có những cách đơn giản hơn để tư duy về tiền, điều đó sẽ giúp mọi người ổn định về tài chính và bớt căng thẳng, làm việc ít hơn (nếu bạn muốn điều đó).

Không phải là kiếm được bao nhiêu tiền

"Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền và cũng mất nhiều tiền nếu không hiểu cách thức hoạt động của nó. Rất nhiều người nổi tiếng như Mike Tyson (cựu vận động viên quyền Anh người Mỹ) kiếm được rất nhiều tiền nhưng cuối cùng ông ta cũng sạt nghiệp", theo bài viết của Tim trên Medium.com.

Anh cũng lấy một ví dụ khác về những người trúng xổ số, họ có nhiều khả năng bị phá sản trong vòng 3 - 5 năm hơn so với người bình thường sau khi kiếm được hàng triệu USD. "Tôi biết những người kiếm được 500 nghìn USD mỗi năm, khi cuộc suy thoái gần đây xảy ra, họ bắt đầu cạn tiền rất nhanh", Denning chia sẻ.

Anh chỉ ra một số cách có thể kiếm nhiều tiền qua Internet bằng cách tạo nội dung, thiết lập trang web, bắt đầu với podcast, quảng cáo sản phẩm của người khác, viết sách điện tử, tổ chức hội nghị ảo...

Không phải là tiết kiệm được bao nhiêu tiền

"Nếu bạn sử dụng cách tiếp cận đơn giản là kiếm tiền và tiết kiệm tiền thì kết cục sẽ không tốt cho bạn", Denning viết. Để chứng minh lời nói của mình có sức thuyết phục, anh dẫn chứng bằng biểu đồ sức mua giảm dần của tờ 1 USD từ năm 1913 - 2018 như sau:

Tiết kiệm - Ảnh 2.

Biểu đồ biểu diễn sức mua giảm dần của tờ 1 USD từ năm 1913 - 2018)

"Cứ mỗi phút bạn tiết kiệm tiền là bấy nhiêu thời gian lạm phát "gặm nhấm" tiền của bạn, sâu xa hơn là thời gian và công sức bạn bỏ ra để kiếm được tiền. Tại sao bạn phải làm việc cực khổ rồi lại để cho đồng tiền mất giá? Việc này thật vô nghĩa và điên rồ", anh Denning phân tích.

Làm thế nào để tiền "phục vụ" bạn?

"Có một giải pháp để giải quyết vấn đề tiết kiệm tiền mà không nhất thiết phải trở thành một chuyên gia về đầu tư như Warrent Buffett đó là nắm được những tư duy sau: Không phải là kiếm được hay tiết kiệm được bao nhiêu tiền mà là bạn đầu tư bao nhiêu tiền.

Việc đầu tư tiền chỉ đơn giản là bỏ tiền mà bạn kiếm được để nó làm việc cho bạn thay vì để làm phát làm giảm giá trị đồng tiền của bạn. Số tiền mà bạn kiếm được cần phải đem đi đầu tư, bạn có thể lựa chọn các kênh như vàng, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, tiền kĩ thuật số".

Đa dạng kênh đầu tư, tìm hiểu kĩ các loại tài sản

Theo anh Tim Denning, nếu đầu tư là chưa đủ và chưa thể giúp bạn cải thiện tài chính cá nhân, công việc đầu tư cần thêm một bước tiến mới: Đa dạng kênh đầu tư.

"Cái khó nhất đó là tính toán lượng phân bổ tài sản đầu tư vào các kênh khác nhau sao cho phù hợp với khả năng tài chính của bạn. Các quĩ phòng hộ hàng tỉ USD đã dành nhiều thập kỉ để thành thạo duy nhất một kĩ năng này và đây là bí quyết của họ", Denning viết.

Anh Denning cho biết giải pháp cho vấn đề này là khác nhau đối với từng người: "Bạn đầu tư bao nhiêu tiền vào mỗi loại tài sản tùy thuộc vào tình hình tài chính và độ tuổi của bạn".

Nếu đang ở trong tình thế phá sản hoặc có nhiều khoản nợ thẻ tín dụng thì người đó thường sẽ tập trung vào việc xóa các khoản nợ đó trước khi nghĩ đến việc đầu tư. Nếu không nợ nần nhưng chỉ có dưới 10.000 USD thì người đó sẽ thận trọng hơn khi đầu tư. Nếu có 100 nghìn USD trở lên thì việc đầu tư sẽ dư dả hơn.

Đầu tư vào chứng khoán cũng là kênh mà Denning gợi ý đối với những người trẻ. "Để tiết kiệm tài chính cá nhân, bạn cần tìm hiểu xem nên đầu tư tiền vào đâu và phân bổ bao nhiêu cho từng loại tài sản. Dưới đây là một ví dụ về đa dạng kênh đầu tư:

Kênh đầu tưTỉ lệ đầu tư

Vàng

5%

Bất động sản

30%

Tiền tệ kĩ thuật số

5%

Trái phiếu

20%

Cổ phiếu

40%

Bạn cần tìm hiểu kĩ về từng loại tài sản trên và phân bổ tiền của bạn cho phù hợp", anh Denning gợi ý.

Mỗi kênh đầu tư trên đều có các loại tài sản khác nhau, ví dụ kênh trái phiếu có trái phiếu kho bạc dài hạn hay trái phiếu rủi ro cao, kênh cổ phiếu có thể đầu tư vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cổ phiếu vốn hóa lớn hay cổ phiếu công nghệ. Để có thể đầu tư hiệu quả, ta cần tìm hiểu thật kĩ từng loại tài sản trên để sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.

Hiểu về tình hình hiện tại của nền kinh tế

"Điều cuối cùng bạn cần lưu ý đó là khi đầu tư và đa dạng các tài sản khác nhau, bạn cần phải biết chúng ta đang ở giai đoạn nào trong chu kì kinh tế. Nói cách khác, thị trường chứng khoán và nền kinh tế đang ở trong giai đoạn tăng trưởng mạnh hay yếu, hay đang trong thời kì suy thoái.

Việc tìm hiểu xem thị trường đang ở trong giai đoạn nào là điều cực kì quan trọng bởi nó sẽ quyết định xem tài sản nào bạn sẽ lựa chọn để mua", anh Denning phân tích.

Trong điều kiện thị trường đang ở thời kì suy thoái với giá dầu giảm, dư thừa tiền mặt trong lưu thông, trái phiếu có lợi suất âm và lạm phát dự kiến cao hơn mức bình thường, người ta có thể muốn cổ phiếu với giá rẻ bởi vì được giảm giá, sở hữu ít trái phiếu hơn bởi một số khoản chẳng đem lại lợi lộc gì, hay tìm kiếm các tài sản điều chỉnh theo lạm phát nếu không chắc chắn về tương lai.

Theo anh Denning, kiếm tiền là vô nghĩa nếu bạn không giữ bất kì khoản nào và tiêu tiền một cách hoang phí. Nhưng tiết kiệm có thể sẽ chẳng mang lại gì khi đồng USD bị mất giá theo thời gian. 

Chúng ta cần đầu tư tiền do bản thân kiếm ra để nó quay trở lại "phục vụ" bạn chứ không phải để tiền dần mất giá trị do lạm phát. Đầu tư tiền vào các tài sản giúp bạn kiếm được nhiều hơn hoặc những tài sản bảo vệ bạn khỏi sự không chắc chắn do suy thoái kinh tế.

Sau đó, khi bạn nghĩ đến việc đầu tư, hãy xem xét về tuổi tác, tình hình tài chính cá nhân, cách bạn sẽ đa dạng hóa các loại tài sản khác nhau và thời điểm của chu kì kinh tế.

"Nếu bạn kiếm tiền và đầu tư chúng thay vì tiết kiệm, bạn sẽ có tiền để bớt căng thẳng hơn, làm công việc bạn yêu thích và giúp đỡ người khác", anh Denning chia sẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tường Vy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.