Tiếp vụ 'Bầu' Kiên lại bị tố 'lừa đảo… chiếm đoạt': 158 tỉ đồng bị chiếm đoạt như thế nào?
Bầu Kiên muốn thoái hết vốn tại VietBank | |
'Lướt sóng' vàng…, 'bầu' Kiên thua lỗ hơn 368 tỷ đồng |
Ngăn cản trả nợ
Sau khi ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) bị bắt, gia đình ông Kiên và các cổ đông Công ty (Cty) Cổ phần tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) đã bầu lại Hội đồng quản trị (HĐQT) để tiếp quản doanh nghiệp và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến nay, việc trả nợ của những người làm nhiệm vụ kế thừa cũng không thể thực hiện, vì bị chính bầu Kiên và các thành viên liên quan ngăn cản.
Để thanh toán nợ, Chủ tịch HĐQT AFG đã lấy ý kiến các thành viên HĐQT về việc ủy quyền tất cả các quyền của chủ sở hữu theo quy định đối với 15.000.000 cổ phiếu của ACB thuộc sở hữu của AFG cho ACB hoặc bên thứ 3 do ACB chỉ định, để đảm bảo nghĩa vụ nợ của AFG tại ACB.
Nhiều cổ đông của AFG đang lo lắng vì khoản nợ của Cty tại ACB khá lớn, đã chuyển thành nợ xấu. Cổ đông P.V.T.P (sở hữu 1.056.000 cổ phần AFG), cho rằng các khoản nợ xấu này đang ảnh hưởng đến uy tín cũng như lịch sử tín dụng của Cty.
Nợ xấu cũng đang khiến AFG gánh chịu chi phí lãi quá hạn quá lớn, vượt khả năng sinh lời so với danh mục tài sản hiện có. Cổ đông này có văn bản yêu cầu AFG tất toán nợ cho ACB và cơ cấu lại danh mục đầu tư. Phương án trả nợ được đưa ra là bán một phần hoặc toàn bộ số cổ phiếu ACB mà AFG đang sở hữu. Nhất là trong bối cảnh giá trị cổ phiếu ACB mà AFG đang sở hữu rất tốt, thuận lợi cho việc bán để trả nợ cho ngân hàng (giá cao nhất kể từ năm 2012 cho đến lúc này).
Tuy nhiên, bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Kiên), với tư cách thành viên HĐQT AFG, đã không đồng ý ủy quyền cho ACB hoặc bên thứ 3 đối với 15.000.000 cổ phiếu ACB thuộc sở hữu của AFG và các cổ đông, để thanh toán nợ. Bà Lan khẳng định HĐQT không được phép quyết định những vấn đề liên quan đến tài sản của AFG khi chưa lấy ý kiến cổ đông theo điều lệ. Trong khi đó AFG vẫn chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông để lấy ý kiến, cũng như xem xét lại tổng thể các hoạt động của Cty.
Theo điều lệ AFG, việc bán tài sản phải được cổ đông thông qua với tỉ lệ 65%. Trong khi đó, Cty B&B (Cty gia đình ông Kiên - bà Lan) sở hữu 40% cổ phần của AFG nên vẫn có quyền phủ quyết việc bán tài sản để trả nợ (do ông Kiên gây ra).
Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước Đại hội cổ đông vào tháng 3.2018, ACB cho biết, trong cơ cấu cổ đông hiện nay của nhà băng này, có nhóm cổ đông và người có liên quan đến “bầu” Kiên nắm giữ khoảng 10,45% cổ phần ACB. Nhóm cổ đông này cũng là khách hàng vay với dư nợ gốc 193 tỉ đồng và nợ lãi 175 tỉ đồng (tính đến cuối tháng 2.2018). Nhóm cổ đông này cũng có liên quan đến 6 Cty là khách hàng có nợ xấu tại ACB, với dư nợ gốc tính đến cuối tháng 2.2018 lên đến 3.094 tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo gửi NHNN của ACB, ông Kiên và bà Lan cùng các tổ chức, cá nhân liên quan đang có các hành động từ chối trả nợ, ngăn cản quá trình thu hồi nợ mà ACB đang thực hiện theo chỉ đạo của NHNN.
Đáng nói là “ông bầu” này trước khi bị bắt (năm 2012) và chấp hành hình phạt tù 30 năm (tội lừa đảo, cố ý làm trái, trốn thuế…) là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật Cty AFG, ông Kiên và những người thân (thông qua Cty B&B) nắm giữ 40% vốn tại Cty này. AFG còn góp vốn thành lập các Cty con là Cty Cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI), Cty Cổ phần Đầu tư ACB HN (ACBI). Ông Kiên cũng chính là Chủ tịch HĐQT ACI, Chủ tịch HĐQT ACBI và tự ý kinh doanh vàng, gây thua lỗ cho cả 3 Cty với hơn 1.100 tỉ đồng. Cụ thể, AFG bị lỗ gần 500 tỉ đồng, ACI lỗ hơn 368 tỉ đồng và ACBI lỗ hơn 373 tỉ đồng.
Sau khi thua lỗ, tại biên bản họp cổ đông ngày 13.8.2010, chính ông Kiên cam kết chịu trách nhiệm về những khoản lỗ này, nhưng đến nay lại tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm đã cam kết.
Bí ẩn vụ chuyển nhượng 11 triệu cổ phiếu TCB
Trong đơn tố cáo mới nhất mà Cty AFG gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội (ngày 8.5.2018), tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong một giao dịch khác, làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Giai đoạn 2008 - 2010, AFG là cổ đông chiếm đến 70% vốn điều lệ của Cty Cổ phần Đầu tư ACB HN (ACBI), ông Kiên khi đó chính là Chủ tịch HĐQT ACBI, và cũng là Chủ tịch HĐQT của AFG, đại diện phần vốn góp của AFG tại ACBI. Với vị trí này, ông Kiên đã tự mình quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của ACBI, trong đó có nhiều ký kết, giao dịch vượt thẩm quyền, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính cho doanh nghiệp này.
Ngày 25.3.2008, ACBI thu được 800 tỉ đồng từ việc phát hành trái phiếu cho ACB. Theo phương án phát hành trái phiếu được đại hội cổ đông thông qua, mục đích của việc phát hành trái phiếu là để đầu tư tài chính - đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng thương mại. Với số tiền có được, ngày 26.3.2008, ông Kiên đã trực tiếp ký hợp đồng mua 9.670.000 cổ phiếu TCB của Techcombank từ 12 cá nhân. Tổng số tiền chi cho việc mua cổ phiếu này từ 12 cá nhân là 699,875 tỉ đồng (mệnh giá 72.376 đồng/cổ phiếu).
Số tiền còn lại ông Kiên chỉ đạo cho Cty ACI vay 100 tỉ đồng nhưng không lấy lãi trong vòng 8 tháng, trong khi ACBI vẫn phải trả lãi trái phiếu cho ACB. Việc cho vay này là vượt thẩm quyền của ông Kiên và cũng không được Đại hội cổ đông thông qua. Đến ngày 15.8.2008, Techcombank chia cổ tức bằng cổ phiếu. Với lượng cổ phiếu sở hữu, ACBI được chia thêm 1.590.715 cổ phiếu TCB, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 11.260.715 cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).
Ngày 18.12.2008 (tức 7 tháng sau giao dịch mua cổ phiếu của 12 cá nhân), ông Kiên chỉ đạo giám đốc ACBI bán toàn bộ 11.260.715 cổ phiếu TCB đang sở hữu cho 2 cá nhân với mức giá bằng với giá khi mua ban đầu cho 9.670.000 cổ phiếu, tức 699,875 tỉ đồng(!?). Trong hợp đồng mua bán, ACBI có nhận thêm tiền lãi suất hỗ trợ cho thời gian 7 tháng này là gần 52,3 tỉ đồng.
Các cổ đông của ACBI khẳng định, đây là điều bất thường và rất khó hiểu, bởi một giao dịch mua bán cổ phiếu bình thường nhưng các bên lại thỏa thuận hỗ trợ tiền lãi vay. Số cổ phiếu ACBI chuyển nhượng cho 2 cá nhân thực tế cũng cao hơn số lượng mua ban đầu đến 1.590.715 cổ phiếu (được trả cổ tức), nhưng số tiền trả cho ACBI lại ghi nhận bằng với giá trị mua ban đầu của 9.670.000 cổ phiếu.
Theo AFG (Cty nắm 70% vốn tại ACBI), về nguyên tắc khi mua bán tài sản (cổ phiếu TCB), các bên phải tự thu xếp tài chính. Chi phí vốn sẽ được xác định trong giá bán chứ không thể mua bán cùng một giá nhưng lại thu thêm tiền hỗ trợ lãi vay. Thực chất, giao dịch mua bán này là ông Kiên thỏa thuận với 2 cá nhân mua lô cổ phiếu TCB của ACBI chịu lãi suất trả chậm từng năm cho số tiền trả chậm. ACBI và 2 cá nhân này ký hợp đồng bán lô cổ phiếu từ cuối năm 2008 và hoàn tất chuyển giao, nhưng đến tháng 3.2013, việc thanh toán mới chấm dứt.
Nhưng đáng nói là trên giao dịch mua bán, ACBI không có văn bản thỏa thuận lãi suất trả chậm nào với 2 cá nhân mua cổ phiếu này, và cũng không nhận được bất cứ khoản tiền lãi trả chậm nào, mặc dù việc thanh toán kéo dài.
Thay vào đó, cùng thời điểm thanh toán tiền lãi trái phiếu cho ACB, cá nhân ông Kiên đã nhận tổng cộng hơn 211,2 tỉ đồng qua tài khoản, với nội dung “thanh toán tiền mua cổ phiếu TCB của ông Kiên và người mua”. Sau đó, ông Kiên đã trích hơn 52,26 tỉ đồng chuyển cho ACBI theo đúng số tiền hỗ trợ lãi vay mua cổ phiếu đã thỏa thuận như đã nói ở trên. Phần còn lại gần 158 tỉ đồng ông Kiên chiếm giữ, không giao lại cho ACBI.
AFG cho rằng, hành vi của ông Kiên có dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại điều 355 Bộ luật Hình sự “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vì AFG với tư cách là cổ đông sở hữu 70% vốn điều lệ của ACBI, nên việc ông Kiên chiếm đoạt số tiền gần 158 tỉ đồng trong giao dịch mua bán cổ phiếu TCB cũng là chiếm đoạt tiền của AFG.
Trong khi đó, trái phiếu ACBI phát hành cho ACB có thời hạn 5 năm (2008 - 2013) nhưng đến nay (9.2018) vẫn chưa thanh toán cho ACB.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/