|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiếp tục nhập siêu gần 1 tỷ USD nửa đầu tháng 3

14:12 | 20/03/2017
Chia sẻ
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 cả nước nhập siêu 982 triệu USD, tiếp tục theo đà nhập siêu từ tháng 2. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nhập siêu cũng là một tín hiệu thể hiện doanh nghiệp nội đang lớn lên.  
Một góc cảng Cát Lái, cảng có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất ở TPHCM. (Ảnh: TBKTSG).

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 16,6 tỷ USD trong nửa đầu tháng 3/2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,81 tỷ USD, nhập khẩu là 8,79 tỷ USD.

Như vậy, trong nửa đầu tháng 3, Việt Nam tiếp tục nhập siêu gần 1 tỷ USD. Tháng đầu tiên của năm 2017, cả nước xuất siêu 1,15 tỷ USD. Trong tháng 2, nhập siêu đã quay trở lại ở mức 1,2 tỷ USD.

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 72,26 tỷ USD. Như vậy, lũy kế đến thời điểm 15/3, cả nước đang thâm hụt thương mại 1,8 tỷ USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu, có ba nhóm giữ trị giá trên 1 tỷ USD chỉ trong nửa tháng là dệt may; điện thoại các loại và linh kiện ; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác là hai nhóm có giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD chỉ trong vòng nửa tháng.

Thống kê Hải quan cũng cho thấy, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 3, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của giới doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng 14%, lên gần 24,66 tỷ USD, chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Ở lĩnh vực nhập khẩu, doanh nghiệp FDI nhập khẩu về Việt Nam tăng 23% lên gần 21,98 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Bình luận về sự thay đổi trong cán cân thương mại của Việt Nam những tháng đầu năm, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng không đáng lo ngại.

Tháng 1 Việt Nam xuất siêu, tháng 2 nhập siêu và nửa tháng nay lại tiếp tục nhập siêu, cũng như 3 năm trở lại đây (từ năm 2014), con số nhập siêu vẫn xuất hiện biểu đồ xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu nói con số xuất siêu trong năm 2014, năm 2015 phản ánh chuyển dịch cơ cấu trong nước đã phát triển. Nhìn lại có thể thấy, cán cân thanh toán và thẳng dư xuất khẩu chủ yếu do doanh nghiệp FDI mang lại. Các doanh nghiệp nội của Việt Nam mới là người tạo ra nhập siêu.

"Nhập siêu lớn tức là các doanh nghiệp của Việt Nam đang phát triển, lớn lên. Nếu xuất siêu ở chừng mực nào đó trong bối cảnh của Việt Nam hiện này các doanh nghiệp FDI mới chính là người có lợi thế hơn", TS Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Thái Hoàng