|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiếp diễn câu chuyện 'được mùa mất giá' muối

07:11 | 22/05/2024
Chia sẻ
Nghề làm muối từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của người dân khu vực Hòn Khói, thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là một trong những nơi sản xuất muối quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Vụ muối năm nay, bên cạnh niềm vui được mùa, diêm dân cũng đối mặt với nhiều nỗi lo khi giá muối liên tục giảm, khiến cuộc sống thêm phần bấp bênh.

Diện tích sản xuất muối tại phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Hiện đi dọc tuyến đường ven biển qua xã Ninh Thọ và các phường: Ninh Hải, Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, dễ dàng bắt gặp diêm dân đang chất muối thành đống cao rồi phủ bạt phơi ngoài đồng.

Theo UBND thị xã Ninh Hòa, tổng diện tích sản xuất muối trên địa bàn thị xã 720 ha. Hiện giá muối chỉ còn 700 - 800 nghìn đồng/tấn, trong khi năm 2023 ghi nhận ở mức 1,2 - 1,5 triệu đồng/tấn. 

Ông Trần Minh Trung ở tổ dân phố 3, phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa cho biết, năm ngoái, diêm dân có một mùa bội thu và giá rất tốt. Tuy nhiên, năm nay dù thời tiết thuận lợi, năng suất, sản lượng cao nhưng giá lại xuống thấp. Hiện tại, muối thu về để chất đống ngoài đồng không bán được, không có lãi, và không đủ tiền trả công cho người lao động.

Gia đình ông Trung sản xuất được 300 tấn muối trong 5 tháng đầu năm, năng suất cao. Tổng diện tích gia đình ông có 2 ha; trong đó có 2.000 m2 sản xuất muối tinh, chi phí đầu tư 400 triệu đồng cho tiền bạt phủ từ năm 2023, đến nay chưa thu đủ vốn do giá thấp.

Gia đình ông sản xuất muối bạt cho năng suất cao gấp đôi so với sản xuất muối đồng. Tuy nhiên, giá lao động rất cao, với mức bình quân 350 nghìn đồng/người/ngày. Nếu thuê lao động trong 4 ngày để cào muối, chi phí gần 10 triệu đồng để thu được 16 tấn muối, với giá bán 800 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 14 triệu đồng, trừ chi phí bạt phủ thì còn không bằng công người đi làm thuê.

Ông Trung cho rằng, nếu giá muối lên 1,2 triệu đồng/tấn thì diêm dân mới có lãi. Giá muối thấp không chỉ làm giảm thu nhập của diêm dân còn gây khó khăn lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Hàng trăm tấn muối vẫn nằm chất đống ngoài đồng không bán được, khiến các hộ sản xuất muối lâm vào cảnh khó khăn. Không chỉ mất giá, việc thất thoát sản lượng muối do điều kiện lưu trữ không đạt tiêu chuẩn cũng là vấn đề lớn.

Theo ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Hợp tác xã muối 1/5 Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, ước tính cả phường Ninh Diêm còn khoảng 2.000 tấn muối chưa bán được, khiến diêm dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do giá muối rẻ, người dân để muối lại ngoài đồng từ 4-5 ngày mới cào lên nên sản lượng thất thoát. Hợp tác xã chưa có liên kết đầu ra với các đơn vị khác, muối chủ yếu được bán qua thương lái.

Giám đốc Hợp tác xã muối 1/5 Ninh Diêm cho hay, diêm dân có 10 tấn muối nhưng khi bán cho thương lái, chỉ cân còn 6 tấn, diêm dân thiệt đơn thiệt kép. Do vậy, cần có cơ chế liên kết để bán muối cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Theo ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm, mức giá muối hiện nay từ 700 - 800 nghìn đồng/kg không đem lại lợi nhuận cho người dân, chỉ đủ để trang trải chi phí lao động. Đáng chú ý, 99% diện tích sản xuất muối đã chuyển sang phương pháp phủ bạt, đảm bảo tiêu chuẩn muối sạch, chỉ còn một số nhỏ hộ chưa thực hiện chuyển đổi này. Phương pháp sản xuất muối trải bạt mang lại năng suất cao và chất lượng kết tinh muối tốt. Từ năm 2021 đến nay, người dân đã tích cực chuyển đổi sang phương pháp này. Tuy nhiên, về phần tiêu thụ hiện chưa có doanh nghiệp, tổ chức nào đứng ra bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, đến tháng 5/2024, diện tích sản xuất muối toàn tỉnh là 934 ha, với sản lượng muối đạt 21.315 tấn; trong đó, khu vực Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa có đến 720 ha, chiếm gần hơn 70% diện tích toàn tỉnh. Giá muối thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến nhiều diêm dân lo lắng.

Ước tính cả phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) còn khoảng 2.000 tấn muối chưa bán được khiến diêm dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Để giải quyết vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích diêm dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định và tránh bán ồ ạt khi giá muối giảm. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Công ty cổ phần Muối Khánh Hòa hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, giúp diêm dân yên tâm hơn trong quá trình sản xuất.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đã xác định khu vực sản xuất cần hỗ trợ nhất hiện nay là vùng sản xuất muối Hòn Khói. Đây là vùng sản xuất muối có truyền thống lâu đời và có chất lượng muối tốt phù hợp cho việc tiêu dùng và chế biến trong công nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, dự án tập trung vào xây dựng chuỗi liên kết, ký kết hợp tác hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã diêm nghiệp, diêm dân để cùng chế biến, tạo dựng nhãn hiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp và diêm dân hợp tác triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; xây dựng các chương trình truyền thông, tuyên truyền các sản phẩm chế biến từ muối của tỉnh trên các kênh truyền thông sâu rộng đến người tiêu dùng.

Dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối Hòn Khói cần gắn kết hoạt động du lịch biển với du lịch trải nghiệm sản xuất chế biến muối, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm về muối; xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng sản xuất và thương hiệu sản phẩm muối đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa, lựa chọn cánh đồng sản xuất muối tập trung tại vùng Hòn Khói, thị xã Ninh Hòa và một số sản phẩm muối chế biến chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu muối biển sạch sản xuất theo phương pháp truyền thống để xây dựng thương hiệu muối đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa và triển khai quy trình xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu thương hiệu cho sản phẩm muối tham gia chương trình OCOP của tỉnh...

 

Anh Tuấn