Tiền từ khắp nơi trên thế giới đang quay về Mỹ
Thị trường tài chính toàn cầu chỉ vừa mới ổn định trở lại sau cú shock tại Mỹ thì lại phải đón nhận thêm 1 cú shock mới. Thủ tướng Italia, Matteo Renzi, đã từ chức do thất bại trong cuộc chưng cầu dân ý nhằm mục đích gia tăng quyền lực cho Thủ tướng.
Matteo Renzi được EU hậu thuẫn để cải cách kinh tế nhằm giải quyết khủng hoảng hệ thống ngân hàng Italia vốn đang chìm sâu trong nợ xấu (nợ xấu của Italia chiếm 1/3 nợ xấu toàn Eurozone). Tuy nhiên sau khi David Cameron phải từ chức tại UK và Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, làn sóng dân tộc chủ nghĩa đã bùng lên tại Italia khiến Matteo Renzi thất bại.
Nếu khủng hoảng hệ thống ngân hàng Italia không được giải quyết thì rất có thể nó sẽ lây lan ra khu vực Eurozone, điều tương tự như khủng hoảng nợ Hy Lạp. Tây Âu từ một khu vực được ưa thích đã chuyển sang bị rút vốn liên tục từ khi khủng hoảng di cư nổ ra vào tháng 2/2016. Theo thống kê của SSI Retail Reseearch, sau 10 tháng ròng rã rút vốn, dòng tiền vào xuất hiện như một tín hiệu cho thấy thị trường này đang dần quay lại ổn định. Mặc dù vậy, lo ngại về khả năng xấu này đã khiến Tây Âu lại có dòng tiền ra 2 tỷ USD, mức cao nhất 11 tuần.
Tuy nhiên với biến cố mới ở Italia, bộ phận phân tích SSI nhận định tình hình tại Tây Âu sẽ vẫn còn rất phức tạp. Dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu tại khu vực Tây Âu Dòng vốn các quỹ đầu tư cổ phiếu tại Italia
Trong bối cảnh trên, Mỹ đang nổi lên thành một địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất thế giới. Chính sách nới lỏng tài khóa và bảo hộ của Donald Trump hứa hẹn mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho các công ty Mỹ. Dòng tiền vào các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ tuần này là 4,4 tỷ USD, đưa dòng tiền vào 4 tuần lên 45,1 tỷ USD. Với xu hướng lãi suất tăng, các quỹ đầu tư trái phiếu Mỹ tiếp tục có dòng tiền ra 1,3 tỷ USD.
Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục tăng, đỉnh cao nhất đạt được là 2,4481% vào ngày 1/12/2016, mức cao nhất 348 ngày. Từ đầu năm cho đến trước bầu cử tổng thống Mỹ, dòng vốn có xu hướng rút khỏi cổ phiếu để đầu tư vào trái phiếu và đây đã từng được coi là chủ đề của năm 2016.
Những bất ổn chính trị cộng với rủi ro kinh tế tại Châu Âu và Trung Quốc đã khiến giới đầu tư có xu hướng chuyển sang các tài sản an toàn, trong đó có trái phiếu. FED trì hoãn nâng lãi suất, Châu Âu và Nhật bản áp dụng lãi suất âm cũng khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn. Xu hướng này đã đảo chiều hoàn toàn từ khi Donald Trump thắng cử.
Khu vực Châu Á có dòng tiền vào nhẹ nhờ Hàn Quốc có dòng tiền vào tăng đột biến lên +399 triệu USD, cao nhất 41 tuần. Hàn Quốc đang trải qua khủng hoảng chính trị khi tổng thống phải chịu áp lực từ chức. Không những vậy, kinh tế Hàn Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi. GDP quý 3 chỉ tăng 2,7%, thấp nhất 5 quý. Chỉ số chứng khoán KOPSI Index giảm 2% và đồng Won mất giá 3,7% kể từ ngày 8/11/2016. Dòng vốn ra khỏi Hàn Quốc đã xuất hiện liên tục kể từ tháng 3 do khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên dẫn đến nhiều căng thẳng quân sự giữa 2 miền. Tháng 9, 2016, Bắc Triều Tiên có vụ thử hạt nhân lần thứ 5 nhưng kể từ đây dòng tiền vào lại dần quay trở lại Hàn Quốc.
Các nước khác ở Châu Á có dòng tiền vào/ra không đáng kể. Trên các sàn chứng khoán khu vực ASEAN, xu hướng bán ròng cũng giảm bớt, chỉ riêng Indonesia vẫn bị bán ròng mạnh. Có một điểm tương đồng đáng chú ý ở các nước ASEAN đó là xu hướng bán ròng của NĐTNN đều bắt đầu từ tháng 8/2016, tức là trước khi xảy ra bầu cử tại Mỹ. Chỉ số chứng khoán của Thailand, Indonesia và Philippines đều ở vùng đỉnh của năm cũng trong khoảng tháng 8 này.
Tại Việt Nam, thống kê của bộ phận phân tích SSI cho thấy 2 quỹ ETF đều tiếp tục bị rút chứng chỉ quỹ. VNM ETF bị rút 900 nghìn chứng chỉ quỹ (12,1 triệu USD) còn DB ETF bị rút 480 nghìn chứng chỉ quỹ (10.3 triệu USD). VNM ETF còn 20 triệu chứng chỉ quỹ đang lưu hành, tương đương với thời điểm tháng 2/2013. DB ETF còn 12,8 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương tháng 9/2014.
SSI Retail Research nhận định với lượng chứng chỉ quỹ còn nhiều, việc ETF bị rút vốn do NĐTNN điều chỉnh lại phân bổ tại sản trên toàn cầu vẫn còn có thể tiếp diễn.