|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tiền ngoại dứt chuỗi xả 7 quý liên tiếp tại Việt Nam, giải ngân nửa tỷ USD lần trở lại

11:44 | 04/07/2022
Chia sẻ
Đi qua hai năm tăng mạnh, chứng khoán Việt Nam bước vào nhịp điều chỉnh sâu trong quý II. Từ vùng đỉnh trên 1.500 điểm, VN-Index đóng cửa tháng 6 dưới ngưỡng 1.200. Trong nhịp điều chỉnh của thị trường, khối ngoại gửi đi tín hiệu tích cực khi đảo chiều mua ròng 10.387 tỷ đồng quý II.

Tiền ngoại chấm dứt chuỗi 7 quý bán ròng liên tiếp

Động thái giải ngân mua ròng vào quý II của nhóm nhà đầu tư nước ngoài làm thay đổi cục diện dòng tền ngoại trên thị trường. Đây là một tín hiệu tích cực khi đa phần giới đầu tư đồng quan điểm thị trường chiết khấu về vùng định giá hấp dẫn.

Nói thêm rằng trước đợt mua ròng mạnh lần này, khối ngoại đã có chuỗi xả trong 7 quý liên tiếp với tổng giá trị 85.455 tỷ đồng. Đỉnh điểm quý cuối năm ngoái, khối này rút ròng kỷ lục gần 1 tỷ USD khỏi chứng khoán Việt Nam. Ở quý đầu năm nay, giá trị bán ròng có phần thu hẹp xuống mức thấp nhất trong 6 quý.

 Thống kê giao dịch khối ngoại theo quý và theo năm. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Đó là chiều bán, còn ở chiều mua vào, lần gần đây nhất khối ngoại mua ròng trên thị trường Việt Nam là vào quý II/2020 với quy mô gần 7.000 tỷ đồng. Đây là thời điểm thị trường bắt đầu tạo đáy đi lên và sản phẩm ETF nội dựa trên rổ VNDiamond mới ra mắt thu hút dòng tiền của nhà đầu tư ngoại.

Với việc mua ròng mạnh trong quý II, dòng tiền ngoại đổi hướng trong nửa đầu năm với giá trị vào ròng 3.773 tỷ đồng. Trong hai năm 2020 và 2021, khối này bán ròng 19.310 tỷ đồng và 62.538 tỷ đồng.

Cổ phiếu nào được mua mạnh nhất?

 Giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE của khối ngoại nửa đầu 2022. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.  

Thống kê trong nửa đầu năm, dòng vốn ngoại đổ 1.810 tỷ đồng vào sàn HOSE, tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF nội (FUEVFVND), trong khi cổ phiếu niêm yết bị xả 673 tỷ đồng. Mã HPG của Hòa Phát chịu áp lực bán lớn nhất từ khối ngoại trong nửa đầu năm nay với tổng giá trị trên 5.600 tỷ đồng.

Những tháng gần đây, “cổ phiếu quốc dân” này giảm giá mạnh tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư bởi đây là công ty có lượng cổ đông lớn nhất trên thị trường. Những cổ phiếu bị bán hàng trăm triệu USD còn có MSN (4.700 tỷ đồng), VIC (4.500 tỷ đồng), NVL (2.600 tỷ đồng).

Cùng nhóm thép, cổ phiếu dòng chứng khoán cũng bị bán ròng mạnh với các mã như SSI (1.233 tỷ đồng), VCI (447 tỷ đồng), VND (393 tỷ đồng). Những cái tên khác cũng chịu áp lực xả còn có CII, VNM, DHC.

Ở chiều mua ròng, nhiều mã ghi nhận dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng như STB (2.400 tỷ đồng), DGC (2.220 tỷ đồng), MWG (2.115 tỷ đồng). Hai cổ phiếu ngành phân bón là DPM và DCM được ngoại khối gom 1.923 tỷ đồng và 921 tỷ đồng.

Ngoài rổ VNDiamond, hoạt động mua ròng còn diễn ra ở các mã trong nhóm bất động sản như NLG (1.139 tỷ đồng), KBC (1.044 tỷ đồng) và DXG (947 tỷ đồng). Hai mã KBC và DXG thu hút dòng tiền lớn của nhóm quỹ Dragon Capital trong nửa đầu năm nay.

 Giao dịch cổ phiếu trên sàn HNX của khối ngoại nửa đầu 2022. Nguồn: Thu Hà tổng hợp. 

Cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX và giao dịch trên thị trường UPCoM có giá trị mua ròng 320 tỷ đồng và 1.643 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý là chuỗi phiên mua ròng 5 tháng liên tiếp của khối ngoại trên UPCoM, đột biến 729 tỷ đồng trong tháng 6, cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Giao dịch cụ thể, mã IDC dẫn đầu về giá trị mua ròng trên HNX, đạt trên 200 tỷ đồng. Những cổ phiếu khác cũng được mua hàng trăm tỷ đồng có PVS, PVI, CEO, HUT. Còn ở chiều bán, mã TNG chịu tác động lớn nhất với 162 tỷ đồng. Những trường hợp khác ghi nhận giá trị bán ra 60 – 100 tỷ đồng như SHS, NVB, THD và VCS.

Giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM của khối ngoại nửa đầu 2022. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Trên thị trường UPCoM, tâm điểm dòng tiền hướng đến hai mã BSR (1.139 tỷ đồng) và QNS (447 tỷ đồng). Hai mã này có giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi nhóm theo sau được mua dưới 100 tỷ đồng như CLX, QTP và GEE. GEE là tân binh mới đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM đầu tháng 3/2022.

Cổ phiếu SGB của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương bị bán mạnh nhất với 309 tỷ đồng. Các mã khác cũng nằm trong nhóm bị bán ròng từ 30 đến 90 tỷ đồng có FOX, VTP, IDP và ABC.

Hoàng Linh