|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền gửi khách hàng giảm liên tiếp trong tháng 7 và 8, tiền gửi dân cư tăng nhẹ

08:49 | 31/10/2022
Chia sẻ
Tiền gửi của dân cư cuối tháng 8 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng trước lên hơn 5,63 triệu tỷ đồng, gần đuổi kịp tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tuy vậy, tổng tiền gửi khách hàng tại các TCTD đã ghi nhận hai tháng giảm liên tiếp.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 11,31 triệu tỷ đồng, giảm 78.818 tỷ đồng so với tháng 7.

Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế (TCKT) tính đến cuối tháng 8 giảm 87.783 tỷ đồng so với tháng trước đó, xuống còn hơn 5,67 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của dân cư cuối tháng 8 tiếp tục tăng nhẹ 7.955 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,63 triệu tỷ đồng, gần đuổi kịp tiền gửi của các TCKT.

Nhìn lại giai đoạn 2020-2021, tiền gửi của các TCKT tăng trưởng mạnh và vượt qua lượng tiền gửi dân cư vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, tiền người của người dân đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn của hệ thống.

  Tăng/giảm tiền gửi của khách hàng tại các TCTD 8 tháng năm 2022. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp) 

Thông tin tại họp báo chính phủ thường kỳ tháng 10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết huy động vốn tăng trưởng chậm với tốc độ khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.

Điều đó đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là từ 24/10, điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đồng thời, cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được.

Thực tế, lãi suất huy động cao nhất tại các ngân hàng đã lên đến 8-9%/năm, có nơi vượt 11%/năm. Cụ thể, Nam A Bank đã đưa ra mức lãi suất 11%/năm đối với sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn 9 tháng, tuy nhiên chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu.

Trước đó, NCB cũng đưa mức lãi suất cao nhất lên 10,5%, áp dụng đối với loại hình tiết kiệm truyền thống và tiền gửi có kỳ hạn An Khang cho khách hàng gửi tiền từ 500 tỷ đồng/năm. 

Nhiều ngân hàng khác cũng cũng tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian vừa qua, bao gồm 4 ngân hàng TMCP Nhà nước và các ngân hàng tư nhân như Sacombank, VPBank, Bac A Bank, VIB,... với mức tăng từ 1 điểm % trở lên. 

CTCP Chứng khoán SSI cho rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 0,5-1 điểm % nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Phương Nga