Tiền dồn mạnh vào cổ phiếu ngành xây dựng
HBC, CTD vững tiến
Cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã có trọn tuần tăng giá, nâng tổng số phiên tăng liên tục lên con số 9, với tỷ suất sinh lợi 22,3%. Trong vòng 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu HBC đã tăng giá tổng cộng 39,5%.
Là 1 trong 2 nhà thầu xây dựng dân dụng hàng đầu tại Việt Nam, năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, HBC đạt doanh thu hơn 10.700 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 572 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2015. Trong năm 2015, Công ty liên tục trúng thầu các dự án lớn từ các chủ đầu tư uy tín như Sun Group hay Novaland.
Theo ông Lê Việt Thái, Tổng giám đốc HBC, tổng giá trị các hợp đồng trúng thầu trong 19 ngày đầu tiên của năm 2017 đạt hơn 2.135 tỷ đồng. Trước đó, HBC cho biết, giá trị các công trình trúng thầu trong năm 2016 đạt trên 17.000 tỷ đồng.
Điểm tích cực của HBC năm 2016 là biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể so với năm 2015, tăng lên 11,4%. Trong cơ cấu tài sản, phải thu ngắn hạn thời điểm cuối năm 2016 là khoản mục lớn nhất, chiếm 58,6%, tăng 2.485 tỷ so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu nguồn vốn nghiêng về nợ phải trả với tỷ lệ 84%, tuy nhiên, nợ dài hạn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 7,2%; vay và thuê tài chính ngắn hạn chiếm 23%, phần lớn nợ trong nguồn vốn là các khoản phải trả ngắn hạn.
Tại Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), tuần qua, giá cổ phiếu CTD tăng 4,8%, nâng tổng mức tăng giá trong 2 tháng trở lại đây lên 18,7% và lần thứ 4 trong 6 tháng gần nhất, giá tiến sát mức 200.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, CTD công bố kết quả kinh doanh năm 2016, với doanh thu đạt 20.800 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế hơn 1.400 tỷ đồng, lần lượt gấp 1,5 lần và 2,1 lần thực hiện năm 2015.
CTD là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, có khả năng thực hiện các loại công trình hiện đại quy mô lớn, đối tác là các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Tân Hoàng Minh.
Nguồn tiền mặt dồi dào, vốn chủ sở hữu chiếm 53%, không sử dụng vay nợ cho hoạt động xây dựng, cơ cấu nợ trong nguồn vốn đều thuộc các khoản phải trả, hiệu quả sinh lời cao khi biên lợi nhuận ròng, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục tăng trong 3 năm qua, khả năng quản lý dòng tiền tốt giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh liên tục dương là những điểm mạnh của CTD so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Cùng với CTD, HBC, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng - bất động sản như VCG, HDG, UDC… đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 với kết quả kinh doanh đột biến, qua đó hỗ trợ giá và thanh khoản cho cổ phiếu.
Chuyện mới của ROS
Cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros xuất hiện trên sàn niêm yết từ 1/9/2016 với diện mạo ban đầu khá lạ lẫm với nhà đầu tư, bởi Công ty chỉ chuyên thực hiện các dự án của Tập đoàn FLC.
Tuy nhiên, ROS gây ấn tượng mạnh và là cổ phiếu mang lại nhiều cảm xúc nhất trên sàn khi liên tục tăng “phi mã” kể từ khi lên sàn. Sau một đợt điều chỉnh nhẹ cuối tháng 11, đầu tháng 12/2016, ROS chưa từng điều chỉnh giảm trong 2 tháng qua, cổ phiếu này đã tăng liên tục 36 phiên và có 1 phiên đứng giá, tổng mức sinh lợi là 35,5%.
Năm 2016, ROS công bố tổng tài sản của Công ty tăng 81%, từ 4.522 tỷ đồng lên 8.192 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 56%%, từ 3.149 tỷ đồng lên 4.928 tỷ đồng; doanh thu và lợi nhuận gấp lần lượt 3,64 lần và 3,61 lần năm 2015 và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Kết quả kinh doanh năm 2016 tăng trưởng mạnh, nhưng do ROS tăng vốn cổ phần trong năm nên lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm xuống 1.014 đồng so với mức 1.398 đồng của năm 2015.
Cơ cấu tài chính của ROS thời điểm cuối năm 2016 có vốn chủ sở hữu chiếm 60% tổng nguồn vốn, vay nợ dài hạn chỉ chiếm 1,6%. Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, gần 50% là khoản người mua trả tiền trước.
Không biết vì ROS có báo cáo tốt hay cổ phiếu tăng mạnh mà ngày 10/2/2017, Công ty MSCI khi công bố kết quả cơ cấu danh mục quý I/2017 của rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index, đã đưa thêm 2 cổ phiếu Việt Nam là ROS và SAB vào danh mục.
Chuyện về ROS sẽ thêm phần thú vị khi không chỉ có các nhà đầu tư lướt sóng mong thưởng ngoạn vị ngọt của chuỗi tăng giá, mà quỹ ngoại cũng “lên tàu”, cùng nhau “thưởng ngoạn” miếng bánh của tương lai.