|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiến độ 4 cây cầu nối trung tâm Hà Nội với các huyện sắp lên quận Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì?

13:25 | 27/09/2024
Chia sẻ
Theo Quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 9 cầu bắc qua sông Hồng, trong đó có nhiều cây cầu nhận được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông và làm thay đổi bộ mặt các huyện sắp lên quận như: Đông Anh, Gia Lâm như: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Ngọc Hồi,...

Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/3/2016, Hà Nội dự kiến sẽ có tổng cộng 18 cầu vượt sông Hồng, trong đó, có 9 cầu đã hoàn thành, gồm: Văn Lang, Vĩnh Thịnh, Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy giai đoạn 1 và Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Những cầu chưa xây dựng gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, Thăng Long mới, Tứ Liên, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên và Vân Phúc.

Theo dự kiến, Hà Nội sẽ khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng ngay trong năm 2024 gồm: Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở. Bên cạnh đó, mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, hiện dự án cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư, giao Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) Hà Nội và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong quý IV năm nay.

Vậy tiến độ những cây cầu nào sẽ nối trung tâm Hà Nội với huyện sắp lên quận như: Đông Anh, Gia Lâm hiện ra sao?

Cầu Thượng Cát

Cầu Thượng Cát được thiết kế có tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,2 km, thiết kế 8 làn xe, chiều rộng 33 m, nối từ phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm đến xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, thời gian thực hiện dự kiến đến năm 2027, với tổng mức đầu từ 8.300 tỷ đồng.

Dự án xây dựng cầu Thượng Cát được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Vành đai 3,5; đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các khu đô thị trong khu vực; góp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo kế hoạch, Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và hai đầu cầu sẽ khởi công vào dịp 10/10/2024, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Phương án xây dựng cầu Thượng Cát đạt giải Nhất (Ảnh: Hanoimoi).

Theo Báo Hà Nội mới, tại lễ công bố, trao giải cuộc thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát diễn ra ngày 25/1, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, nối thông toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía Nam lên phía Bắc sông Hồng; mở thêm đường kết nối phía Tây, Tây Nam Thủ đô giữa các quận, huyện phía Bắc và Nam sông Hồng…

Cầu Tứ Liên

Đầu tháng 9 vừa qua UBND TP Hà Nội đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư cầu Tứ Liên với tổng mức đầu tư lên tới 19.959 tỷ đồng, theo VTV.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị tư vấn tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5 km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9 km, với cầu chính dài 1 km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp và hai làn đi bộ.

Về phương án thiết kế, cầu Tứ Liên là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình. Nhịp cầu dài 1.000 m, khoảng cách trụ 500 m, đỉnh tháp cao 158 m, chịu được động đất cấp 8. Đây cũng là cầu dây văng thứ hai tại Hà Nội, sau cầu Nhật Tân. 

Phối cảnh cầu Tứ Liên (Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội).

Về khả năng cân đối và bố trí vốn giúp dự án có thể khởi công và thi công nhanh, đúng tiến độ, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cho biết, ngoài cầu còn làm khoảng 5 km đường dẫn để kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nên số vốn dự kiến là khá lớn. Do vậy, Sở Kế hoạch & Đầu tư và các sở ngành có liên quan đã tham mưu thành phố huy động bằng nguồn vốn PPP (đối tác công tư). 

Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, được kỳ vọng sẽ giúp kết nối các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ với các địa danh hành chính phía Bắc sông Hồng như Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh…

Cầu Trần Hưng Đạo

Cũng trong năm nay, Hà Nội phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.374 tỷ đồng.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã 5 phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng) và điểm cuối tại khu vực giao cắt với Quốc lộ 5A (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên).

Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6 km, quy mô 6 làn xe cơ giới, hai làn xe đạp, hai làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80 km/h. Các cầu nhánh trong nút giao có bề rộng từ 7 - 9 m.

Các nút giao trên tuyến được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh gồm: Nút giao phía quận Hoàn Kiếm giao với đường đê Hữu Hồng, Trần Hưng Đạo; Nút giao với đường Cổ Linh; Nút giao với đường Nguyễn Sơn và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh.

Theo kế hoạch, cầu Trần Hưng Đạo có công tác chuẩn bị, lập thiết kế trong năm 2023 - 2024; thi công trong giai đoạn 2025 - 2027, cơ bản hoàn thành trong năm 2027.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo (Ảnh: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội).

Nhằm bảo đảm tính khả thi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đề xuất thành phố sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện dự án thành phần 1, bao gồm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Long Biên.

Dự án thành phần 2 gồm đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn hai đầu cầu, đầu tư xây dựng tuyến đường từ nút giao Cổ Linh đến điểm cuối dự án tại phố Vũ Đức Thận (phường Gia Thụy, quận Long Biên) được triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tỷ lệ sử dụng 50% vốn ngân sách địa phương và đưa vào danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.

Cầu Ngọc Hồi

Dự án xây dựng công trình cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu là một trong các dự án giao thông thuộc nhóm dự án đầu tư công đang được Sở GTVT Hà Nội lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo quy hoạch, cầu Ngọc Hồi được xây dựng nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5, nối huyện Gia Lâm và Thanh Trì với tổng mức đầu tư dự kiến là 11.700 tỷ đồng. Công trình có quy mô đường trục chính đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 7,5 km, quy mô mặt cắt ngang 80 m, riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến 60 m.

Cầu Ngọc Hồi có điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; điểm cuối kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cách đê tả Hồng 700 m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

 

Vị trí dự kiến xây dựng cầu Ngọc Hồi (Ảnh: Hạ Vũ).

Cầu Ngọc Hồi được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho cầu Thanh Trì. Mặt khác, khi cầu Ngọc Hồi xây dựng hướng sang xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, sẽ kết nối liền kề với thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từ đó tăng cường kết nối giữa các khu vực với nhau.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội vào tháng 5 vừa qua, dự án hiện đang gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi, ranh giới khi đi qua địa bàn hai địa phương là TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Do đó, Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên để thống nhất phương án đầu tư, phạm vi đầu tư và phương án tuyến cho dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu đoạn qua tỉnh Hưng Yên.

Anh My

Làn sóng rao bán tài sản, cơ cấu hoạt động kinh doanh
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cầm cự bằng cách cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại các khoản đầu tư thậm chí giải thể các đơn vị kinh doanh không hiệu quả.