|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tập đoàn Trung Quốc đề xuất làm cầu Tứ Liên, đường sắt đô thị Hà Nội

21:00 | 27/06/2024
Chia sẻ
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đề xuất nghiên cứu đầu tư, làm dự án cầu Tứ Liên, đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trưa 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng, môi trường, tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm, cho biết tập đoàn này muốn nghiên cứu, tham gia đầu tư các dự án xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc.

Ông Nghiêm Giới Hòa đề nghị Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp xây dựng, đầu tư vào hạ tầng giao thông, cũng như đẩy nhanh việc tìm kiếm các mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh đề xuất của Tập đoàn Thái Bình Dương về hợp tác triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc. Ông đề nghị tập đoàn này cùng với TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu hợp tác xây dựng tuyến đường sắt đô thị này, trên nguyên tác "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Theo quy hoạch chung Thủ đô trước đây, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và một tuyến nối các đô thị vệ tinh, tổng chiều dài 397 km. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới hoàn thành được 13 km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và sắp hoàn thành 12,5 km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng xong 96,8 km đường sắt đô thị tới 2030 và hoàn thành mạng lưới 550 km đến năm 2045. Nếu hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển 2,2-2,6 triệu chuyến đi mỗi ngày đêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, trưa 27/6, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới trong nghành công trình và xây dựng. Năm 2023, Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 79,5 tỷ USD, lợi nhuận xấp xỉ 5,2 tỷ USD.

Thủ tướng cũng muốn Tập đoàn Thái Bình Dương cùng các địa phương khác của Việt Nam, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, hợp tác phát triển hạ tầng. Ông cho biết Việt Nam đang hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và các chính sách ưu đãi thỏa đáng, đặc biệt trong các lĩnh vực thu hút đầu tư.

Cùng ngày, Thủ tướng tiếp ông Nghiêm Thánh Quân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Doanh - tập đoàn đa quốc gia, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mới, dịch vụ môi trường thông minh. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn trong lĩnh vực môi trường và năng lượng xanh, sạch.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời và có nhu cầu năng lượng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Ông đề nghị Tập đoàn Thiên Doanh tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới về xử lý rác thải, năng lượng điện tái tạo, hydrogen.

Trưa 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Bắc Kinh về Hà Nội, kết thúc dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại TP Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) và làm việc tại Trung Quốc.

Hoài Thu