|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải phóng mặt bằng khó khăn khiến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chậm tiến độ

14:30 | 22/06/2024
Chia sẻ
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Đăk Lăk) đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đang đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ nghiêm trọng do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.

Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có chiều dài tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hơn 33,3 km với diện tích giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến chính khoảng 255,52 ha. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, dự án thành phần 1 của cao tốc này đang gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 228 ha trên phần dự án đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến ngày 19/6/2024, Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa mới bàn giao hơn 168 ha, tương đương 74%. Đáng chú ý, mặt bằng đã bàn giao cho các nhà thầu để thi công liên tục mới được 12km, chiếm khoảng 44%. Riêng đoạn qua rừng tự nhiên dài 2,8 km đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đang trong quá trình tận thu lâm sản.

Một số khu vực khác vẫn còn nhiều diện tích chưa được bàn giao. Đoạn qua phường Ninh Đa chỉ mới bàn giao 271 m trên tổng số 1.189 m cần bàn giao. Tương tự, đoạn qua xã Ninh Sim cần bàn giao 4.957 m nhưng mới bàn giao được 1.898 m.

Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chưa phê duyệt được thêm trường hợp nào về bồi thường, hỗ trợ để di dời, do vướng giá đất năm 2024. Tổng số trường hợp chưa phê duyệt là 309/972. Riêng đoạn qua xã Ninh Tây từ Km 25+326 – Km 28+700 còn vướng mắc về bồi thường cây trồng và đất do Ban quan lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa quản lý đã bàn giao cho trung tâm nhưng chưa bàn giao được cho Ban quản lý dự án.

Về hạ tầng kỹ thuật, chỉ có 15/69 vị trí phải di dời các hệ thống điện, nước, cáp viễn thông đã được bàn giao mặt bằng, khiến việc triển khai thi công gặp nhiều trở ngại.

Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chức năng sớm chấp thuận thiết kế cơ sở điều chỉnh và cho chủ trương đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông giữa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với Quốc lộ 26. Đồng thời, cần bổ sung các bãi đổ thải và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất để kịp thời bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong khi chờ đợi quyết định phê duyệt giá đất, các đơn vị đã nỗ lực vận động các hộ dân di dời và linh động bố trí máy móc thi công ở những vị trí phù hợp. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND thị xã Ninh Hòa, giải quyết hồ sơ, phê duyệt đền bù, giải phóng mặt bằng tại các vị trí ưu tiên qua địa bàn các xã Ninh Trung, Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây.

Đồng thời sớm xây dựng và ban hành giá đất khu tái định cư Hà Thanh để đẩy nhanh việc lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng các trường hợp bị ảnh hưởng của dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh; chỉ đạo Trung tâm đẩy nhanh việc di dời mộ và đường ống cấp nước sinh hoạt tại khu tái định cư Hà Thanh để nhà thầu có thể thi công; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để di dời đường dây 220 kV, 110 kV, 35 kV, đảm bảo mặt bằng cho nhà thầu triển khai thi công dự án; kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong khai thác tận thu lâm sản.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa vẫn đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 6/2026, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị thi công được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công những đoạn khó trước mùa mưa lũ, đảm bảo dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột về đích đúng hạn.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Khánh Hòa (thành phần 1) có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1 (phường Ninh Đa), điểm cuối tại xã Ninh Tây, đều thuộc thị xã Ninh Hòa, với tổng mức đầu tư hơn 5.632 tỷ đồng và thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027.

 

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.