|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

“Tiền chết” của các ngân hàng

12:07 | 17/08/2016
Chia sẻ
 “Chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành ngân hàng”, đó là đánh giá gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về rủi ro hệ thống của ngân hàng Việt Nam. 

Không những thế, tại một số ngân hàng, tỷ trọng tài sản không sinh lời đang có dấu hiệu tăng lên, càng ảnh hưởng đến hệ số sinh lời của các ngân hàng. Với áp lực lạm phát ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất trong thời gian tới, chất lượng tài sản các ngân hàng có thể càng thêm suy yếu.

Về cơ bản, tài sản của một ngân hàng có thể phân ra làm hai phần chính là tài sản sinh lời và tài sản không sinh lời, trong đó tài sản sinh lời thường chiếm trên 90% tổng tài sản tại các ngân hàng với dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng chủ yếu. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần tài sản không sinh lời của một số ngân hàng đã tăng lên mức cao hơn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng.

Chất lượng tài sản thấp

Dư nợ cho vay là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản sinh lời nói riêng và tổng tài sản nói chung của một ngân hàng. Tuy nhiên, nợ xấu tăng cao trong những năm gần đây khiến chất lượng tín dụng của các ngân hàng xuống mức rất thấp. Chẳng những thế, giá trị các tài sản bảo đảm cho các khoản vay, thường là bất động sản, cũng bị giảm giá mạnh trong bối cảnh thị trường nhà đất sụt giảm mạnh.

Trong thời kỳ phát triển tín dụng dễ dãi trước đây, các tài sản bảo đảm thường được định giá cao để nâng giá trị khoản vay, nhưng đến khi phát sinh nợ quá hạn, các ngân hàng buộc phải chuyển nhóm nợ thì họ lại ít khi muốn định giá lại giá trị các tài sản bảo đảm cho sát giá trị thực, dẫn đến trích lập dự phòng rủi ro chưa đầy đủ.

tin nhap 20160817120521

Thực tế không loại trừ có những nhóm khách hàng tìm cách vay vốn tại các ngân hàng và móc nối thổi giá trị tài sản bảo đảm lên cao chót vót để được vay vốn nhiều hơn. Sau đó, dòng vốn này được rót vào các tài sản khác, rồi các tài sản mới mua này lại được thế chấp ở các ngân hàng, được định giá cao hơn giá trị thực để rút vốn ra. Vòng quay mua thêm các tài sản rồi thế chấp, vay vốn cứ thế tiếp tục...

Như vậy, với một khoản tiền ban đầu, nhóm khách hàng này đã sử dụng đòn bẫy vốn vay từ ngân hàng quay vòng và đẩy tổng tài sản lên rất cao, nhờ vào các chiêu thức móc nối thổi giá trị tài sản bảo đảm. Mục tiêu của những nhóm khách hàng như trên là tìm lợi nhuận từ mức chênh lệch giữa giá trị thực của tài sản bảo đảm và giá trị định giá của ngân hàng để vay vốn, còn việc thanh lý, xử lý tài sản bảo đảm sau đó nếu phát sinh thành nợ xấu là chuyện của... ngân hàng.

Đối với các khoản vay đã được bán sang VAMC thì công tác thu hồi và xử lý quá chậm, khiến chi phí tài chính của các ngân hàng tăng lên và khả năng hỗ trợ cho nền kinh tế của các ngân hàng cũng bị giới hạn. Mặc dù gần đây cơ chế xử lý nợ xấu đã dành nhiều quyền chủ động hơn cho VAMC, tuy nhiên, với thị trường mua bán tài sản còn nhiều hạn chế thì dự báo công tác xử lý khối nợ xấu mà VAMC mua từ các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục bị nghẽn.

Phần tài sản không sinh lời tại các ngân hàng thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% nhưng gần đây, tỷ lệ này tại một số ngân hàng tăng lên tới 20%, chủ yếu do gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản phải thu khó đòi, trong khi các khoản lãi dự thu dồn tích qua nhiều năm nhưng thực tế lại chưa thu được. Điều đó cho thấy chất lượng quản lý tín dụng của các ngân hàng này còn nhiều yếu kém, và việc chuyển nhóm nợ chưa được thực hiện triệt để theo đúng các quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09.

Nguồn vốn bị nghẽn, chi phí ngân hàng phải gánh chịu

Nguồn vốn huy động đầu vào của các ngân hàng đang bị nhốt lại ở các tài sản được xem như “tiền chết”, mà một phần nằm ở nợ xấu thực tế, các khoản vay đã bán cho VAMC hiện đang tồn tại dưới dạng trái phiếu đặc biệt và những khoản tài sản không sinh lời lớn nằm ở các khoản phải thu, lãi và phí phải thu chưa thu được.

Với yếu tố nợ xấu, các khoản vay này vừa không còn thu được lãi trong khi các ngân hàng vẫn phải chịu chi phí tài chính để trả lãi tiền gửi cho khách hàng.

Với các trái phiếu đặc biệt, hiện tại lãi suất cho các trái phiếu này bằng 0% và các ngân hàng hàng năm vẫn phải trích lập chi phí dự phòng cho các trái phiếu này. Tuy Ngân hàng Nhà nước có quy định cho phép các ngân hàng chiết khấu trái phiếu này để vay vốn tại Ngân hàng Nhà nước, nhưng thời gian vừa qua chỉ mới có một số ít ngân hàng thật sự gặp khó khăn về thanh khoản là có thực hiện. Do đó, giá trị tài sản được xem như “tiền chết” này tuy giúp các ngân hàng làm đẹp bảng cân đối nhưng thực tế vẫn khiến các ngân hàng phải gánh chi phí khá lớn trong hoạt động kinh doanh.

Chẳng những thế, với lượng “tài sản chết” lớn như thế, các ngân hàng dĩ nhiên phải gánh chịu chi phí khá cao cho giá trị tài sản này. Giả sử một ngân hàng có đến 30% tài sản có chất lượng thấp và không có khả năng sinh lời như trên, tức lợi suất sinh lời là 0%, thì với nguồn vốn huy động đầu vào bình quân 5%, các ngân hàng đang có đến 30% tài sản có biên độ lợi suất âm 5%. Như vậy, 70% tài sản còn lại phải được duy trì một biên độ lãi suất đủ cao để bù đắp cho phần lợi nhuận âm của 30% tài sản này. Vì thế, các ngân hàng với chất lượng tài sản thấp khó có thể giảm lãi suất là điều đương nhiên.

Tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống

Với nguồn vốn khá lớn bị chết dí ở các “tài sản chết” như thế, rõ ràng các ngân hàng đang không thể mặc sức sử dụng tối ưu được nguồn tiền gửi để kinh doanh. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng các ngân hàng đang phải huy động tiền gửi của người gửi sau để trả lãi cho người gửi trước. Đây chính là những rủi ro tiềm ẩn thật sự cho hệ thống, vì khi không thể khơi thông được lượng tài sản chết này, mà giá trị của chúng ngày càng tăng lên, thì áp lực huy động đầu vào của các ngân hàng phải tăng theo tương ứng.

Với áp lực lạm phát đang ngày càng tăng, tăng trưởng tín dụng nóng trở lại từ năm 2015 đến nay và mặt bằng lãi suất có thể lên cao theo áp lực lạm phát, thì trong thời gian tới, các ngân hàng có thể tiếp tục đối mặt với thách thức chất lượng tài sản bị suy yếu. Vì khi tín dụng tăng trưởng nóng mà không được quản lý và kiểm soát tốt, nguồn vốn dễ dãi này có thể chạy vào những khu vực mang nhiều rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn, đồng nghĩa với việc khả năng hoàn trả cho ngân hàng nếu rủi ro thật sự xảy ra sẽ thấp hơn.

Trong khi đó, nếu mặt bằng lãi suất tăng sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nhiều hơn, chi phí tài chính gia tăng, khả năng sinh lời sụt giảm, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng sẽ yếu đi và từ đó có thể gặp phải khó khăn về dòng tiền cũng như khả năng trả nợ cho ngân hàng, do vậy gây ra nợ xấu cho hệ thống, điều mà thực tế đã diễn ra trong giai đoạn lãi suất cho vay bị đẩy lên trên 20% trong những năm trước đây.