Tiềm ẩn nguy cơ rớt giá khi nông dân ồ ạt trồng sầu riêng
Đáng lo ngại cơn sốt bỏ cây công nghiệp đổ xô trồng cây 'tiền tỷ' sầu riêng ở Tây Nguyên |
Tình trạng người dân ồ ạt trồng khiến diện tích sầu riêng tăng vọt. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Những năm qua, tại Đồng Nai, giá sầu riêng luôn duy trì ở mức cao, người trồng thu lợi lớn, nông dân chặt bỏ cả những loại cây mà chỉ vài năm trước còn được gọi là “cây vàng”, “cây xóa đói giảm nghèo” để trồng sầu riêng.
Tình trạng người dân ồ ạt trồng khiến diện tích sầu riêng tăng vọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể khiến cung vượt cầu, rớt giá.
Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chỉ có thể khuyến cáo, chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nhằm khống chế diện tích sầu riêng.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Lan, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có gần 1 ha đất trồng hồ tiêu, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng.
Từ cuối năm 2016, hồ tiêu bắt đầu rớt giá, 2 vụ tiêu vừa qua ông Lan không có lãi. Tháng 4/2018, ông Lan quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn tiêu, chuyển sang trồng sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Lan chia sẻ, mấy năm gần đây người trồng sầu riêng trúng lớn. Mỗi hécta sầu riêng cho năng suất từ 10-12 tấn/năm, với giá bán như hiện nay thu lãi khoảng 700 triệu đồng/năm.
Sầu riêng trồng sau 3 năm thu hoạch, ông mong đến lúc vườn sầu riêng của ông thu hoạch thì sầu riêng vẫn được giá như bây giờ.
Theo ông Nguyễn Xuân Hường ở xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ có 4 ha tiêu đang thời kỳ thu hoạch nhưng nay tiêu rớt giá chỉ còn 42.000 đồng/kg. Ông Hường đang tính chặt bỏ bớt hồ tiêu để chuyển sang trồng sầu riêng.
“Tôi đang tìm cây giống, học kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. Đất chỗ tôi độ ẩm cao, tôi nghĩ sẽ thích hợp trồng loại cây này. Mặc dù giá cây giống giờ cao gấp đôi so với năm trước, chi phí đầu tư sẽ tăng lên nhưng tôi vẫn quyết định cuối tháng 8 này sẽ chặt bỏ 2 ha tiêu, chuyển sang trồng sầu riêng”. Ông Hường nói.
Phong trào trồng sầu riêng hiện cũng đang nở rộ tại xã Phú An, huyện Tân Phú. Trước đây, mỗi năm xã Phú An chỉ có khoảng 20 ha sầu riêng trồng mới, nhưng 2 năm nay diện tích sầu riêng đã tăng thêm 100 ha.
Ông Đỗ Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, xã Phú An hiện có 300 ha sầu riêng; trong đó, có 100 ha mới trồng dưới 2 năm, chưa thu hoạch.
Diện tích sầu riêng ở Phú An đang tăng rất nhanh, đa số người dân chặt bỏ điều, loại cây trước đây được xem là “cây xóa đói giảm nghèo” để trồng sầu riêng.
Chính quyền cơ sở lo cho bà con, bởi nếu ồ ạt tăng diện tích thì nguy cơ dư thừa, rớt giá dễ xảy ra.
Theo ông Nguyễn Tiến Lệnh, chủ cơ sở cây giống ở xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, việc nông dân ồ ạt trồng khiến nguồn cung cây giống sầu riêng khan hiếm, giá tăng đột biến.
Năm 2017, người dân lựa chọn rất kỹ cây giống, chỉ mua những cây đẹp với giá 140.000 đồng/cây.
Nay vì khan hiếm nên người dân mua cả những cây còn nhỏ với giá dao động từ 280.000-300.000 đồng/cây.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, huyện Cẩm Mỹ hiện có gần 1.450 ha sầu riêng; trong đó, có 300 ha mới trồng trong hơn 1 năm. Còn huyện Tân Phú có hơn 1.400 ha sầu riêng; trong đó, hơn 500 ha trồng mới.
Ông Nguyễn Hữu Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú trăn trở, việc chuyển đổi cây trồng là quyền của bà con, nhưng ở Tân Phú diện tích sầu riêng tăng đột biến, làm vỡ quy hoạch.
Nhu cầu thị trường vẫn ổn định, sản lượng tăng lên thì rớt giá là điều không tránh khỏi và lúc đó nông dân lại khổ.
Huyện Tân Phú đã khảo sát thực trạng tăng nóng diện tích sầu riêng ở các xã như Phú An, Phú Xuân và khuyến cáo nông dân không chạy theo phong trào; báo cáo cho các sở, ngành ở Đồng Nai nhằm phối hợp khống chế, ổn định diện tích.
Ông Ký khẳng định, huyện Tân Phú đang nghiên cứu, kêu gọi doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất sầu riêng theo chuẩn VietGap ở xã Phú An và nếu thành công sẽ nhân rộng ra các xã khác.
Khi sầu riêng đạt tiêu chuẩn sạch, thị trường tiêu thụ sẽ rộng mở, ổn định hơn, từ đó tạo ra sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 4.100 ha sầu riêng, tập trung ở huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú và thị xã Long Khánh.
Năm 2016 trở về trước, diện tích sầu riêng ở Đồng Nai ổn định nhưng, từ năm 2017 đến nay thì tăng mạnh.
Nguyên nhân do giá sầu riêng duy trì ở mức cao, người trồng thu lợi lớn, trong khi các loại cây khác như hồ tiêu, điều mất mùa, rớt giá, nông dân chặt bỏ chuyển sang trồng sầu riêng.
Ông Nguyễn Công Tú, Chi cục Phó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai khuyến cáo, nông dân chỉ phát triển sầu riêng trong vùng có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp.
Đồng thời, nên chọn, sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn, giống có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Không chặt bỏ những cây đang cho thu nhập để chuyển sang trồng sầu riêng.
Sắp tới, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng cho nông dân.
Cùng đó, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống sầu riêng trên địa bàn.
Lên kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn sản xuất sầu riêng, vận động nông dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị, qua đó xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sầu riêng.