|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỉ giá 'nhấp nhổm' - một năm nhìn lại

07:28 | 20/01/2017
Chia sẻ
Bầu cử tổng thống Mỹ, FED tăng lãi suất, tin đồn thất thiệt về Việt Nam sắp đổi tiền mối… NHNN đã có một năm khá “sóng gió” trong để kìm cương tỉ giá. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thừa nhận năm 2016, ngành ngân hàng phải đối mặt với các sự kiện không thể dự báo trước.

Các chuyên gia của VEPR nhận định “Lượng dự trữ tương đối dồi dào, khả năng NHNN can thiệp là hoàn toàn có thể. Vì vậy trong giai đoạn cuối năm 2016 cho đến Tết Nguyên đán và đầu năm 2017, NHNN có thể ổn định được thị trường về mặt kỹ thuật”.

Tỉ giá trung tâm - một năm nhìn lại

Đánh giá một năm NHNN chính thức áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm, các chuyên gia VEPR nhận định về cơ bản, cơ chế mới đã giúp tỉ giá có một năm tương đối ổn định, hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc lớn bên ngoài. Cụ thể, tỉ giá tham chiếu cuối năm chỉ tăng 1,18% so với đầu năm 2016, ở ngưỡng 22.154 VND/USD. Đồng thời, biên độ dao động cũng chỉ dưới ±1,5% trong suốt năm. Trong khi đó, tỉ giá bán ra niêm yết tại Vietcombank chỉ tăng 0,55%, với mức dao động ±2,54%.

ti gia nhap nhom mot nam nhin lai
TS Nguyễn Đức Thành

Biến động tỉ giá chủ yếu diễn ra trong quý IV, sau hai sự kiện lớn tại Mỹ. Diễn biến của cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ cùng với quyết định tăng lãi suất của FED đã khiến đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền lớn khác, dẫn tới xáo động trên thị trường tỉ giá của Việt Nam. Yếu tố tâm lý của người dân cũng góp phần làm tỉ giá tăng.

Ngoài ra, tin đồn thất thiệt về viêc Việt Nam sắp đổi tiền mới khiến NHNN “đau đầu thanh minh” đến 5 lần trên báo chí. Tuy nhiên, thông tin thất thiệt cũng khiến người dân lo ngại, và có khuynh hướng mua tích trữ USD và vàng, khiến thị trường phi chính thức có những xáo động bất lợi.

TS Nguyễn Đức Thành (VEPR) nhận định “Dự trữ ngoại hối tiếp tục được bổ sung trong Quý 4, nâng tổng mức dự trữ ước tính lên tới 41 tỉ USD. Đồng thời, duy trì mức dự trữ đạt trên 2,5 tháng nhập khẩu. Nếu theo dõi thị trường liên ngân hàng thì có thể thấy cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Có thể lý giải điều này là do tỷ giá bên ngoài có tăng, nhưng lượng giao dịch không thực sự lớn để có thể gây ảnh hưởng đến thị trường trong hệ thống ngân hàng. Lượng dự trữ tương đối dồi dào, khả năng NHNN can thiệp là hoàn toàn có thể giúp tạo ổn định thị trường. Do đó, có thể nói trong giai đoạn cuối năm 2016 cho đến Tết Nguyên đán và đầu năm 2017, NHNN có thể ổn định được thị trường về mặt kỹ thuật”.

Nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2017

Theo nhận định của các chuyên gia VEPR, “Về cơ bản, chúng tôi cho rằng điều hành tiền tệ trong năm 2016 là linh hoạt. NHNN vẫn theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Tuy nhiên, càng về cuối năm các nhân tố làm tăng lạm phát xuất hiện càng nhiều hơn, bao gồm sự phục hồi trong giá năng lượng và điều chỉnh giá dịch vụ công. NHNN đã có lưu ý về nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2017, đồng thời, nên đã có những cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới”.

Lạm phát Quý 4 tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 15 tỉnh thành trong tháng 10.2016 khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83% . Trước lo ngại giá cả có thể tăng trong những tháng cuối năm, liên bộ Y tế - Tài chính đã quyết định hoãn hai đợt tăng giá dịch vụ y tế tại những địa phương còn lại trong hai tháng cuối năm. Tính tới cuối năm 2016, chỉ số giá nhóm hàng dịch vụ y tế đã tăng 77,57% so với cuối năm 2015, đóng góp tới 2,7 điểm phần trăm trong mức tăng CPI.

Trong khi đó, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã tăng nhẹ theo xu hướng tăng giá thế giới và nhu cầu tăng lên trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá nhóm hàng lương thực và thực phẩm của Việt Nam trong tháng 12 lần lượt tăng 2,57% và 3,34%, so với mức mức tăng -1,65% và 1,47% tương ứng của hai nhóm hàng này cùng kỳ năm 2015.

“Dù đạt được mục tiêu lạm phát dưới 5% do Quốc hội đặt ra, tôi cho rằng trong thời gian tới nguy cơ lạm phát vượt mức 5% là hoàn toàn có thể, khi mà các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công là không thể tránh khỏi trong năm 2017. Nhu cầu hàng hóa theo chu kỳ sẽ tăng trong những tháng giáp Tết Nguyên đán có thể đẩy chỉ số giá tăng, đặc biệt đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Đồng thời, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng trở lại sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn, cả trong và ngoài khối OPEC, đều đã đạt được những đồng thuận về cắt giảm sản lượng”, TS Nguyễn Đức Thành nói.

Lan Hương