|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại điện tử: ‘Đứt gánh giữa đường vì chi phí nặng’

09:03 | 24/09/2016
Chia sẻ
Ngoài vốn đổ vào xây dựng hạ tầng công nghệ, mạng lưới nhân sự, nhà đầu tư website B2C còn phải tính thêm phí nhập hàng, vận hàng…, không tính toán phù hợp sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “đứt gánh giữa đường”.

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang có xảy diễn biến trái chiều. Trong khi nhiều website tuyên bố đóng cửa (lingo.vn, cdiscount.vn…), thì không ít doanh nghiệp khác lại “ăn lên làm ra” (Thegioididong, Fptshop, Lazada…). Mặc những sóng gió mà ngành thương mại điện tử đang đối mặt, mới đây, sàn TMĐT sandacsan.com.vn của Viettel Post đã tuyên bố khai trương, gia nhập vào thị trường đang đầy biến động này.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, đã tiến hành khảo sát 1.800 thương nhân, tổ chức sở hữu website TMĐT cho kết quả: khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp TMĐT là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển (31%).

Ngoài ra, nhiều khó khăn khác cũng đã được liệt kê: Khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hoặc lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến (25%); Chi phí vận chuyển, giao nhận còn cao (22%), hoặc khó khăn trong tích hợp thanh toán điện tử (17%)…

Trao đổi với VietnamBiz, ông Cát Văn Khôi, Nguyên Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), lý giải: “Bản chất kinh doanh là lợi nhuận. Các doanh nghiệp TMĐT hoạt động không có lợi nhuận, hoặc chưa có bài toán để có lợi nhuận, thì khả năng đóng cửa rất cao”. Ông Khôi nhận định, các trang web liên tục “ra đi”, trước tiên là do vấn đề thuộc về chính phía doanh nghiệp bởi Việt Nam có môi trường thuận lợi để phát triển TMĐT.

thuong mai dien tu dut ganh giua duong vi chi phi nang
Ông Khôi khẳng định: "Nguyên nhân trước tiên dẫn đến việc các website đóng cửa là do doanh nghiệp". (Nguồn: facebook)

Khi nói về nguyên nhân dẫn đến sự “chết yểu” của các website này, nhiều chuyên gia cho rằng do kinh phí đầu tư vào website TMĐT vô cùng lớn, trong khi lãi thu về rất chậm.

Chuyên gia Cát Văn Khôi cho rằng, ngoài vấn đề vốn đầu tư, thì sự thành bại của các doanh nghiệp TMĐT phụ thuộc rất nhiều vào mô hình và quy mô kinh doanh.

“Mặc dù báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp TMĐT cho thấy họ liên tiếp thua lỗ, nhưng cũng vẫn có những mô hình kinh doanh trực tuyến hiện nay đang mang lại lợi nhuận tốt. Sàn giao dịch, deal, quảng cáo, game… là những ví dụ điển hình”.

Đằng sau việc duy trì một website TMĐT, vị chuyên gia này phân tích: “Ngoài nguồn vốn cơ bản đổ vào xây dựng hạ tầng công nghệ, mạng lưới nhân sự, phát triển maketing…, nếu vận hành website theo mô hình B2C, các nhà đầu tư còn phải tính toán thêm chi phí nhập hàng, vận hàng, bao gồm khoản phí lập kho, đầu tư logistics và trang thiết bị…”.

Mức độ tốn kém tùy thuộc vào quy mô của từng công ty. Tùy tiềm lực tài chính mà các nhà đầu tư nên lựa chọn quy mô và mô hình kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp mình, tránh tình trạng “gánh tải quá nặng để rồi đứt gánh giữa đường” như nhiều doanh nghiệp gần đây.

Sự gia nhập của sandacsan.com.vn mới vừa rồi khiến thị trường TMĐT xôn xao trở lại. Trước Viettel Post, đã có rất nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thực phẩm và nông sản sạch: Thế Giới Di Động triển khai chuỗi bán lẻ thử nghiệm Bách hóa XANH, còn Vingroup đang mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart theo từng ngày.

Thừa nhận Viettel Post có lợi thế trong việc mở sàn kinh doanh trực tuyến (là đơn vị phát triển mạnh mảng chuyển phát nhanh), nhưng điều mà ông Cát Văn Khôi muốn liên hệ nhiều hơn từ sự kiện này, đó chính là việc “thị trường TMĐT Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng”.

Cùng chung quan điểm, ông Đặng Thanh Phong, Trưởng Bộ phận Truyền thông PR của Thế Giới Di Động, phân tích: “Hiện nay, số người trẻ trong xã hội rất lớn, họ đam mê và luôn sẵn sàng đón nhận những công nghệ mới. Sự phát triển mạnh mẽ của smartphone trong những năm gần đây khiến giới trẻ hình thành thói quen mua sắm online. Với họ, giao dịch trực tuyến rồi sẽ trở nên gần gũi hơn cả cách mua sắm truyền thống trước đây”.

Điều này cũng được chứng minh trong báo cáo TMĐT Việt Nam 2015, theo đó, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD; Doanh số TMĐT theo mô hình B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) đạt khoảng 4,07 tỉ USD, tăng 37% so với năm trước.

Thị trường rộng lớn nên doanh nghiệp hãy cứ thỏa sức mà “bơi”. Ông Cát Văn Khôi nhắn nhủ: “Doanh nghiệp cần chuẩn bị nền tảng về nguồn vốn và có kế hoạch đầu tư rõ ràng, cả về công nghệ lẫn năng lực con người. Trong kinh doanh, ngoài tầm nhìn chiến lược, các nhà đầu tư cần phải kiên trì. Trước tiên là phải tạo được dòng tiền đều nuôi sống đội ngũ nhân viên, tìm ra con đường để tồn tại rồi sau đó mới phát triển được”.

Linh Lê