Thương mại điện tử diễn ra như thế nào ở các hòn đảo giữa đại dương?
Sau một buổi sáng đánh cá ở đầm, ngư dân 20 tuổi Turoa Faura di chuyển về nhà trên chiếc xe ba bánh màu đỏ của mình, chở theo đứa cháu nhỏ của anh trong chiếc giỏ rỉ sét gắn phía sau. Trên sân của nhà dì, anh chia sẻ trên điện thoại của mình những bức ảnh về “chiến tích” đánh bắt cá của mình.
Khi Rest of World gặp Faura vào tháng 12/2021, anh mặc một chiếc áo phông trắng có logo Adidas lớn màu đen mà anh mới mua trên mạng gần đây bằng smartphone.
Mua sắm trực tuyến và nhận áo phông được giao tới tận hòn đảo nơi anh sống là một trải nghiệm mới đối với Faura. “Tôi mới bắt đầu đặt đồ trực tuyến năm nay”, anh nói. “Hồi đầu năm, tôi vẫn chưa biết mình có thể tự đặt đồ trên mạng”. Faura cũng mua các thiết bị đánh bắt cá và đồ thể thao trên internet.
Faura sống ở Manihi, một đảo san hô hẻo lánh ở giữa Thái Bình Dương thuộc Polynesia, Pháp. Đảo này có dân số chưa tới 1.000 người và những công dân như Faura chủ yếu sống ở làng Turipaoa. Cuộc sống đây rất khắc nghiệt vì có ít công việc thu nhập cao. Người dân phụ thuộc vào các tàu hàng từ Tahiti cho nhu yếu phẩm.
Vì những lý nói trên, các dịch vụ như mua sắm trực tuyến hay giao hàng tại nhà vẫn là điều “xa xỉ” với những người sống ở các hòn đảo hẻo lánh như Faura. Ở Turipaoa chỉ có đúng 3 cửa hàng nhỏ, chủ yếu bán thực phẩm và vật dụng thiết yếu hàng ngày. Tại đây không có các nhà hàng hay các cửa hàng bán đồ thương hiệu như Adidas. Dân số thưa thớt, vị trí địa lý xa xôi và kết nối internet không phổ biến khiến các dịch vụ TMĐT không thể triển khai tại khu vực này. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một công ty giao nhận đã bắt đầu hoạt động và trở thành cầu nối giữa người dân và TMĐT.
Năm 2017, Moanatea Henriou, một thanh niên 26 tuổi, là một cảnh sát làm việc tại Pháp với mức lương tốt và cuộc sống thoải mái. Dù vậy, anh vẫn cảm thấy có nhiều điều thiếu sót. Anh muốn ở cùng con cái và gia đình mình. Anh cũng nhớ cuộc sống ở quê nhà, đảo Tahiti.
Vì thế, vào tháng 1/2018, Moanatea Henriou trở về Tahiti và xây dựng lại cuộc sống từ đầu. Khi anh trai gợi ý anh nên mở một dịch vụ giao hàng tới người dân trên đảo, Henriou tỏ ra rất hào hứng. Anh vay tiền để mua một chiếc scooter giá rẻ, tạo một trang trên Facebook và đặt tên công ty của mình là HM Coursier Express.
Trên trang Facebook, khách hàng có thể xem một danh sách các dịch vụ kèm theo mức giá, cập nhật các khuyến mại đặc biệt hoặc để lại đánh giá. Facebook là lựa chọn hàng đầu để Henriou tiếp cận các khách hàng của mình khi đây là mạng xã hội phổ biến nhất ở Polynesia. 74% dân số ở đây sử dụng Facebook và môt nửa trong số này dùng Facebook hơn một giờ mỗi ngày.
Để đặt hàng, người dùng gửi yêu cầu qua Facebook Messenger. HM Coursier Express có thể tìm mua và giao bất kỳ thứ gì khách hàng muốn, từ rau quả, quần áo hay thậm chí xe hơi. HM Coursier Express cũng xử lý các đơn hàng trực tuyến của nhiều doanh nghiệp địa phương.
Khi Henriou lập trang Facebook cho công ty của mình, chỉ có một số ít các hãng giao nhận hoạt động ở Polynesia.
“Ban đầu, mọi người chê cười tôi vì tôi có một cuộc sống tốt trước đó”, Henriou chia sẻ. “Khi thấy tôi quay lại, họ cảm thấy thương cảm khi tôi chỉ là một người giao hàng”.
Giao hàng ở Polynesia gặp đặc biệt nhiều thách thức về logistics. Khách hàng đầu tiên của Henriou là một doanh nghiệp kinh doanh thời trang nhỏ ở Tahiti. Anh giao quần áo và một số kiện hàng nhỏ tới các khách hàng của nó. Các khách hàng khác cũng sớm biến đến dịch vụ của Henriou thông qua Facebook và truyền miệng.
Các công ty địa phương muốn tìm một người trung gian thực hiện các vấn đề giao nhận, trong khi đó các gia đình trên đảo muốn Henriou mua các món đồ tươi sống phục vụ cuộc sống hàng ngày. Henriou sử dụng chiếc scooter của mình tìm mua hàng, sau đó đóng gói và đưa chúng đến sân bay hoặc tàu hàng để chuyển tới địa điểm cuối cùng.
Vào những ngày đầu, Henriou và bạn gái phải làm việc từ sáng tới đêm muộn. “Không có nghỉ phép, nghỉ ngơi hay bất kỳ thứ gì như thế. Tôi vẫn nhớ tháng lương đầu tiên vào khoảng 200 USD. Nó không là gì cả”, anh chia sẻ.
Ban đầu, HM Coursier Express cung cấp dịch vụ giao hàng tới bất kỳ đâu: bên trong Tahiti, tới các hòn đảo khác và thậm chí giao hàng ra nước ngoài. Tuy nhiên, Henriou sớm nhận ra việc gửi hàng đi nước ngoài không phải một mảng kinh doanh bền vững khi chi phí giao hàng thậm chí còn lớn hơn món hàng, đồng thời khoản phí mà HM Coursier Express thu được không đủ đề bù đắp chi phí hoạt động.
Lúc đầu, công ty của Henriou sử dụng một hệ thống thanh toán khá lạc hậu. HM Coursier Express thanh toán đơn hàng của khách hàng và giao hàng trước, vào sau đó khách hàng sẽ thanh toán lại sau khi nhận được kiện hàng. Dù vậy, sau một thời gian, khách hàng bắt đầu lợi dụng hệ thống này: khi nhận được đơn hàng, họ biến mất. Thực tế đó khiến HM Coursier Express chịu nhiều khoản thâm hụt. Hiện tại, HM Coursier Express yêu cầu người dùng thanh toán đặt cọc trước.
Cho tới tháng 8/2018, Henriou có đủ tiền để mua một chiếc xe bán tải nhỏ và vào tháng 12 năm ngoái, anh vay tiền để có thể mua một chiếc xe tải. Khi lượng khách hàng tăng lên, HM Coursier Express đã có thể tuyển dụng nhân viên đầu tiên là Vatea Fare Bredin, hiện tại là giám đốc vận hành.
Và rồi, suốt cả năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu cho dịch vụ giao hàng TMĐT tăng mạnh. So với năm 2017, số lượng người dùng internet ở Polynesia thực hiện mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần một tuần tăng từ 5% lên 10%, theo một báo cáo vào năm 2019. Ở các đảo xa hơn, con số này tăng từ 1% lên tới 9%. Henriou tiếp tục mở rộng quy mô HM Coursier Express và tuyển dụng thêm một vài nhân sự mới.
“Vì COVID, dịch vụ giao hàng bùng nổ do mọi người không còn muốn rời nhà”, Henriou nói với Rest of World. “Mọi người đều ở nhà vì sợ”. Mỗi ngày, Henriou làm công việc giao hàng cả ở Taihti và các đảo khác. “Mọi người đều sợ nhiễm bệnh nhưng chúng tôi có thể di chuyển, có thể giao hàng và chúng tôi vẫn đang làm điều đó”, anh chia sẻ. Vì thế, Henriou có thể tuyển thêm 3 nhân sự mới và họ vẫn đang làm việc tại công ty.
Sau khi khách hàng gửi danh sách đồ muốn mua tới HM Coursier Express qua Facebook Messenger, HM Coursier Express sẽ gửi báo giá và yêu cầu họ thanh toán đặt cọc thông qua chuyển khoản.
Thanh toán là một rào cản với TMĐT ở Polynesia vì khó tiếp cận với ngân hàng, đặc biệt là với những người sống ở đảo xa. Ngay cả khi tiếp cận được với ngân hàng, ngân hàng cũng thu phí tài khoản. Trong khi đó, việc sử dụng thẻ tín dụng là rất đắt đỏ và chỉ dành cho những người có lương ổn định.
Thay vào đó, nhiều người dân mở tài khoản ngân hàng thông qua bưu điện. HM Coursier Express có tài khoản ngân hàng bưu điện để có thể nhận thanh toán từ các tài khoản bưu điện khác.
Sau khi nhận đặt cọc, các đơn hàng được sắp xếp theo điểm đến và được chuyển tới các tài xế thông qua ứng dụng Notes trên iPhone vốn được đồng bộ trên điện thoại của tất cả thành viên công ty. Một tài xế chuyên sử dụng xe scooter để xử lý các đơn hàng nhỏ như tài liệu hay giấy tờ. Hai hoặc ba tài xế khác đi từ cửa hàng này đến cửa hàng khác. Khách hàng thường thanh toán khoảng 14 USD cho mỗi đơn hàng cho chuyến đi tới 1 cửa hàng. Nếu có nhu cầu đến nhiều hơn 1 cửa hàng, HM Coursier Express sẽ thu thêm phí.
Đối với các gói hàng phải giao đi xa hơn, nếu là đơn hàng nhẹ, HM Coursier Express sẽ gửi qua máy bay. HM Coursier Express giảm 30% phí dịch vụ vận chuyển bằng máy bay, tương đương mức chiết khấu mà nó nhận được từ Air Tahiti vì số lượng đơn hàng lớn. Trong khi đó, các mặt hàng lớn hơn như xe, vật liệu xây dựng hay thực phẩm đóng hộp sẽ được vận chuyển bằng tàu thuỷ. Trong thời gian phong toả vì COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 8/2020, tàu thuỷ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết sau khi nhiều chuyến bay bị huỷ.
Hiện tại, HM Coursier Express đang có 4 nhân sự toàn thời gian và 3 xe tải. Nó thường xử lý tối thiểu 30 đơn hàng mỗi ngày. Dù vậy, xây dựng một công ty bền vững không phải điều dễ dàng.
Năm 2011, Henriou nhận công việc là một nhân viên nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Faaa với mức lương ổn định. Anh vẫn làm việc tại HM Coursier Express khi có thể song để việc vận hành công ty cho Fare Bredin. Anh đang hy vọng có thể bán được công ty cho một thành viên trong gia đình, HM Coursier Express có doanh thu 46.000 vào năm 2020.
John Tehuritaua, giám đốc thương mại quốc tế tại Phòng thương mại, công nghiệp, dịch vụ Polynesia, cho biết để TMĐT hiệu quả tại đảo này là một thách thức lớn vì thiếu các phương tiện giao thông và điều này dẫn đến chi phí cao và chậm trễ.
“Nếu bạn gửi hàng đến và đi Tahiti, nó có thể mất đến 2 - 3 tuần… Bạn không thể xác nhận khách hàng thời gian họ nhận được hàng”.
Cơ cấu dân số khiến thị trường này khôg hấp dẫn với các ông lớn như Amazon, JD.com hay Alibaba. Dù vậy, trong năm 2022, Polynesia có 40 dịch vụ tương tự HM Coursier Express, dù nhất nhiều trong số đó xuất hiện và biến mất.
Điều hấp dẫn ở mảng giao nhận là rào cản gia nhập thị trường không cao. Tất cả những gì bận cần là một chiếc xe, kết nối internet và sự chăm chỉ. Phần lớn các công ty hoạt động trên Facebook hoặc WhatsApp xong một số cũng đang sử dụng các nền tảng trực tuyến khác như Telegram hay Tiktok để quảng bá dịch vụ và tương tác trực tiếp với khách hàng.