|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thương hiệu Trung Quốc vung tiền quảng cáo tại Euro 2024

13:12 | 19/06/2024
Chia sẻ
Các thương hiệu công nghệ Trung Quốc như Alibaba Group Holding hay BYD đang chiếm 1/3 trong số 13 nhà tài trợ toàn cầu của giải bóng đá Euro 2024, điều này thể hiện dấu ấn ngày càng lớn của họ trong hành trình mở rộng ra các thị trường nước ngoài.

Các nhà tài trợ Trung Quốc gồm nhà sản xuất tivi và thiết bị gia dụng Hisense, nền tảng mua sắm toàn cầu của Alibaba là AliExpress, tập đoàn công nghệ tài chính Ant Group, nhà sản xuất điện thoại thông minh Vivo và nhà sản xuất xe điện BYD, là những cái tên dễ bắt gặp nhất trong các trận đấu của giải bóng đá vô địch châu Âu Euro 2024.

Thương hiệu điện thoại thông minh Vivo của Trung Quốc xuất hiện trên biển quảng cáo phía sau khung thành. (Ảnh: Marca).

Theo South China Morning Post, với nhiều công ty Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài trong bối cảnh tăng trưởng trong nước chậm lại, việc đầu tư mạnh vào quảng bá trong các sự kiện thể thao toàn cầu lớn đã trở thành một chiến lược quan trọng.

Ứng dụng mua sắm quốc tế Temu của gã khổng lồ thương mại điện tử PDD Holdings từng chi hàng chục triệu USD cho một chiến dịch tiếp thị trong trận chung kết bóng bầu dục Mỹ - Super Bowl năm ngoái. Khoản đầu tư này đã giúp nền tảng Temu gia tăng đột biến trong mục tìm kiếm web.

"Họ tập trung vào mở rộng quốc tế trong tương lai, sử dụng nền tảng và sức mạnh tài chính của mình ở Trung Quốc để tăng cường sự hiện diện và doanh thu tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Âu", Giáo sư Howard Yu tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế cho biết.

"Điều mới mẻ và thú vị ở đây là các công ty Trung Quốc sẽ cần thực sự thâm nhập vào thị trường phương Tây và học cách địa phương hóa", vị giáo sư nói. Cụ thể, ông Yu nhấn mạnh việc thay đổi nhận diện thương hiệu trên toàn cầu, khiến người tiêu dùng tại quốc gia bản địa chỉ tập trung vào những sản phẩm của họ thay vì gốc gác Trung Quốc.

Không chỉ quảng cáo trên các sân bóng, các thương hiệu Trung Quốc đang làm nhiều hơn thế. Chẳng hạn, dịch vụ thanh toán xuyên biên giới Alipay+ của Ant đã khởi động chương trình tặng vé Euro 2024. Trong khi đó, AliExpress lại đang tổ chức các chương trình giảm giá mùa hè trong suốt giải đấu. Công ty đã ký hợp đồng quảng cáo với ngôi sao bóng đá David Beckham.

Hisense cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống trợ lý trọng tài video được sử dụng trong các trận đấu, trong khi BYD đã thay thế tập đoàn xe hơi lớn của Đức là Volkswagen để trở thành nhà cung cấp phương tiện chính thức cho Euro 2024.

Giải bóng đá vô địch châu Âu dự kiến thu hút hơn 5 tỷ lượt khán giả toàn cầu, theo giám đốc tiếp thị của Liên đoàn Bóng đá châu Âu. Ngoài các thương hiệu Trung Quốc, các nhà tài trợ toàn cầu khác có thể kể đến như Adidas, Booking.com, Coca-Cola và Qatar Airways...

Dù đứng cạnh những tên tuổi toàn cầu nhưng các thương hiệu Trung Quốc vẫn thể hiện được vị thế của mình. Hisense đã xuất xưởng 25,9 triệu chiếc tivi trên toàn thế giới vào năm ngoái, chỉ đứng sau Samsung Electronics của Hàn Quốc, theo Viện nghiên cứu thị trường AVC Revo. Trong khi Vivo kiểm soát 8% thị trường điện thoại thông minh toàn cầu tính đến tháng 3, xếp trong top 5, theo đơn vị cung cấp dữ liệu Statista.

Hãng xe điện BYD đã từng vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong quý IV năm ngoái. BYD đã tăng doanh số bán xe toàn cầu năm ngoái lên 62%, đạt 3,02 triệu chiếc. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang vận hành hoặc xây dựng các nhà máy tại những địa điểm như Thái Lan, Brazil, Indonesia, Hungary và Uzbekistan.

Thành Vũ

Vì sao nhà đầu tư Mỹ liên tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư?
Theo bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Việt Nam đang là nơi thu hút các nhà đầu tư Mỹ và có cơ hội phát triển thành trung tâm của khu vực về công nghệ cao. Tuy vậy, cơ hội này chỉ có thể kéo dài 1 - 2 năm, bởi Việt Nam không phải là nước có lợi thế duy nhất trong khu vực.