|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao Đức chọn hãng xe Trung Quốc tài trợ Euro 2024?

08:12 | 18/06/2024
Chia sẻ
Cả Liên đoàn bóng đá Đức và UEFA đều tránh nói về nhà tài trợ BYD, nhưng chuyên gia cho rằng vì hãng xe Trung Quốc "sốt sắng hơn cả".

Trong số 13 nhà tài trợ hàng đầu của Euro 2024, có 5 công ty Trung Quốc, trong đó có BYD. Những thương hiệu còn lại gồm Hisense (hãng đồ điện tử), Vivo (hãng điện thoại), AliExpress (trang thương mại điện tử), và Alipay+ (hệ thống thanh toán của Alipay, thuộc Alibaba).

Diễn ra ở nước Đức, nhưng hãng xe đối tác chính của Euro 2024 không phải Mercedes hay Volkswagen - các biểu tượng của ngành công nghiệp ôtô quốc gia này, thay vào đó là BYD. Thông tin này khiến nhiều người thấy lạ, nhưng việc này từng có tiền lệ. Năm 2006, khi World Cup tổ chức tại Đức, hãng xe Hàn Quốc Hyundai là một trong những nhà tài trợ chính, không phải thương hiệu Đức.

Xe điện BYD bên cạnh linh vật Euro 2024 là chú gấu Albart. Ảnh: Imago

Khi được DW đặt câu hỏi, rằng tại sao lại chọn BYD thay vì Mercedes hay Volkswagen, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) từ chối trả lời, đẩy sang LĐBĐ châu Âu (UEFA). Nhưng UEFA cũng từ chối.

Thay vào đó, DW nhận được một danh sách rút gọn gồm 5 đối tác tham gia Euro 2024. Theo đó, Adidas cung cấp "bóng và thiết bị cho tình nguyện viên cũng như nhân viên", Atos (một nhà cung cấp dịch vụ số toàn cầu) chịu trách nhiệm về IT trong mùa giải, và BYD cung cấp "đội xe điện". Những nhà tài trợ khác là Coca-Cola và công ty đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn.

Theo giáo sư Henning Vopel, giám đốc Trung tâm Mạng lưới chính sách châu Âu, việc kêu gọi các công ty Đức tài trợ cho một sự kiện diễn ra ở Đức như Euro 2024 là "phi thực tế".

"Thị trường hàng tiêu dùng là thị trường rộng lớn toàn cầu, và bóng đá có phạm vi trên toàn cầu, đặc biệt với một sự kiện quan trọng như giải vô địch bóng đá châu Âu. Toàn cầu hóa của nền kinh tế và thương mại hóa bóng đá đi đôi với nhau", Vopel nói.

Về 5 nhà tài trợ đến từ Trung Quốc, Vopel cho rằng các công ty này có "lợi ích lớn và sự sốt sắng cao để trả tiền cho những hình thức tài trợ như thế".

Tài trợ thể thao không phải việc kinh doanh hàng ngày, mà là khoản đầu tư chiến lược. "Tài trợ không có nghĩa là thanh toán lập tức dưới dạng dòng tiền. Đó là định vị chiến lược, nhận thức thương hiệu và sự chú ý của truyền thông", Vopel nói.

Tuy nhiên, việc tài trợ có đáng giá hay không lại là câu hỏi khó trả lời thỏa đáng. Henry Ford - nhà sáng lập hãng xe Ford - từng nói, cần lưu ý rằng 50% số tiền mà ông chi cho quảng cáo đều "đổ sông đổ biển".

Một nghiên cứu của Đại học Hohenheim đưa ra kết luận tương tự: "Dù việc tài trợ thực sự đáng giá với các công ty, thì vẫn là vấn đề nghi ngại".

Ngay trong trường hợp lần này của Euro 2024, nhiều chuyên gia marketing nhận định, khả năng nhận diện thương hiệu cũng như truyền đạt thông điệp là thứ lợi ích lớn nhất mà các nhà tài trợ nhận được. Lợi ích này phù hợp với các thương hiệu cần đến gần hơn với công chúng, và BYD là một trường hợp như vậy. Trong khi đó, với các thương hiệu lớn tại Đức, mục tiêu lúc này không còn là tính nhận diện, thì việc tài trợ sẽ trở thành lãng phí.

Cũng tại châu Âu, BYD và một số hãng xe đồng hương vừa bị áp thuế tăng vọt khi nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Cụ thể, mức thuế mà BYD phải chịu là 17,4% so với mức tiêu chuẩn là 10%. Trong khi đó, Geely phải chịu thuế 20% và SAIC là 38,1%.

Mỹ Anh