|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 dưới góc nhìn của học giả quốc tế

07:15 | 28/02/2019
Chia sẻ
Chuyên gia Konstantin Asmolov của Nga cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump khó lòng đưa ra được những đề nghị tích cực theo như kỳ vọng của Triều Tiên.
thuong dinh my trieu tien lan 2 duoi goc nhin cua hoc gia quoc te
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 27/2, Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai Club đã tổ chức hội thảo trực tuyến về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang diễn ra tại Hà Nội.

Phiên thảo luận diễn ra tại thủ đô Moskva, với sự góp mặt trực tiếp của 3 học giả chuyên nghiên cứu về Mỹ và Triều Tiên, cùng một số chuyên gia đang dự sự kiện tại Hà Nội và Giáo sư đại học từ Soeul (Hàn Quốc).

Tại phiên thảo luận, chuyên gia Konstantin Asmolov từ Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã trình bày bức tranh toàn cảnh dẫn đến cuộc gặp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên, cũng như các kỳ vọng của giới quan sát từ cuộc gặp.

Ý kiến chung đều hướng đến những bước đi thực tế nhằm nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng, những cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và quan điểm mềm mỏng gần đây của Mỹ.

Ông Asmolov cho rằng Chủ tịch Kim Jung-un có thể sẽ đề cập đến vị trí của Bình Nhưỡng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Về những đề xuất và cam kết của Mỹ, vị chuyên gia này cho rằng Tổng thống Trump khó lòng đưa ra được những đề nghị tích cực theo như kỳ vọng của Bình Nhưỡng.

Tham gia bình luận trực tuyến từ Hà Nội, giáo sư Georghi Toloraya cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un chiều 27/2 đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện và cởi mở. Hai lãnh đạo được đón tiếp nồng hậu.

Cũng theo giáo sư Toloraya, hiện có rất nhiều dự báo về các quyết định cụ thể sẽ được đưa ra liên quan đến việc đóng cửa cơ sở hạt nhân, khả năng gỡ bỏ trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…

Cá nhân giáo sư Toloraya đưa ra nhận định hết sức thận trọng về kết quả của hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 28/2 ở Hà Nội. Trong khi đó, giáo sư Andrey Lankov từ Đại học Kookmin (Seoul, Hàn Quốc) thông báo về tình hình nội bộ Triều Tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế 4-5% và hiện trạng phát triển xã hội.

Theo ông, dù phải chịu lệnh trừng phạt và cấm vận lâu nay nhưng Triều Tiên không rơi vào khủng hoảng và đời sống người dân vẫn được đảm bảo ổn định. Đây là điều kiện để lãnh đạo đất nước bảo vệ quan điểm của mình trong đàm phán. Trả lời câu hỏi riêng của phóng viên TTXVN, chuyên gia Asmolov ủng hộ quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Theo ông, khi lựa chọn Việt Nam, Chủ tịch Kim Jung-un muốn khẳng định mối quan hệ chặt chẽ với khối xã hội chủ nghĩa và sự quan tâm đối với công cuộc Đổi mới của Việt Nam.

Ông Kim Jong-un dường như muốn tham khảo nhiều phương án phát triển kinh tế, đồng thời cũng rất quan tâm đến kinh nghiệm phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, cách thức hai nước đã giở sang trang mới trong quan hệ song phương. Ông Asmolov kết luận lựa chọn Việt Nam là một quyết định quan trọng vì Chủ tịch Kim Jong-un có thể cùng lúc kết hợp nhiều chuyến tham quan trọng, như thăm Trung Quốc trên đường về.

Nhìn từ góc độ thiết lập lại quan hệ với Mỹ, rõ ràng Việt Nam là một biểu tượng. Đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế./.

Xem thêm

Dương Trí - Tâm Hằng