Thực phẩm Sao Ta vượt 6% chỉ tiêu doanh số tiêu thụ năm sau 11 tháng
Thực phẩm Sao Ta: Khả năng vượt kế hoạch năm trên 10% |
Mới đây, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) công bố kết quả kinh doanh tháng 11. Theo đó, doanh số tiêu thụ của công ty tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 16,2 triệu USD.
Được biết, sản lượng tôm thành phẩm tháng 11 đạt 1.937 tấn, tăng 33% so cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là công ty đã mua tôm nguyên liệu khá nhiều nhằm đáp ứng hợp đồng.
Tính đến hết tháng 11, Thực phẩm Sao Ta đạt 106,2% chỉ tiêu doanh số chung của năm. Lợi nhuận công ty đạt trên 180 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản công ty đạt 1.611 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ở mức 695 tỉ đồng, giảm 7%; phải thu ngắn hạn khách hàng 467 tỉ đồng, tăng 18%. Nợ vay ngắn hạn giảm 25% xuống 733 tỉ đồng.
Công ty cho biết trại tôm đang thu hoạch, còn 54 ao tôm lớn, dự kiến sẽ thu hoàn tất trong tháng 12 để chuẩn bị cải tạo ao cho vụ nuôi 2019. Ngoài ra, FMC đang tìm quỹ đất mở rộng nuôi các năm về sau.
Diễn biến gần đây, công ty nhận được đề nghị chào mua công khai từ CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, mã: PAN) với số lượng cổ phiếu dự kiến hơn 4,7 triệu cp, tương đương 11,85% vốn điều lệ. Hiện, PAN Group nắm giữ 33,15% (hơn 13,3 triệu cp) tổng số cổ phiếu lưu hành của Thực phẩm Sao Ta.
Nhận định tình hình ngành tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết dự kiến xuất khẩu tôm hết năm nay sẽ đạt khoảng 3,6 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2017.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đặt kỳ vọng lớn vào hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết với Liên minh châu Âu (EU). Thị trường châu Âu là thị trường lớn nhất đối với sản phẩm tôm Việt Nam, đồng thời là nơi áp dụng mức thuế cao nhất. Nếu hiệp định thương mại với EU được ký kết, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu thuế suất bằng không, trong khi Thái Lan vẫn ở mức 20%, tạo nên lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.