Thực hư chuyện xuất hiện mọt cánh cứng Trogoderma SP trong điều thô nhập khẩu?
Từ tháng 5 sẽ kiểm tra điều thô nhập khẩu ngay tại kho
Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), sáng ngày 11/4, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng II (Bộ NN&PTNT) cho biết Chi cục Bảo vệ thực vật vùng II đã nhận được chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ.
Theo đó, kể từ đầu tháng 5 sẽ tiến hành kiểm tra tại kho của doanh nghiệp như trước đây theo đề nghị của VINACAS.
Chi cục Bảo vệ thực vật vùng II đề nghị doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu đối tác nước ngoài xử lý hun trùng kỹ tại cảng đi và có chứng thư kiểm dịch đầy đủ cho lô hàng.
Mọt cánh cứng trong điều thô nhập khẩu nguy hiểm ra sao
Trước đó, ngày 16/3, VINACAS đã gửi công văn đến Cục Bảo vệ thực vật, và Chi cục kiểm dịch thực vật Vùng II.
Theo phản ảnh của doanh nghiệp, hiện nay, cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia,...
"Hiện nay là cao điểm thu mua và nhập khẩu điều thô năm 2019. Nếu quy định trên không sớm được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của toàn ngành năm 2019", Vinacas nhận định.
Vinacas phản ánh trong quý I, lượng điều thô doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Phi vụ mùa mới 2019 và vụ cuối năm 2018 vẫn chưa được chuyển về Việt Nam.
Trước tình hình ấy, Vinacas đề nghị áp dụng lại qui trình lấy mẫu như đã áp dụng đối với hạt điều thô nhập khẩu như trước, cho phép doanh nghiệp được kiểm tra, lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp theo hình thức kiểm tra nhanh, áp dụng đối với mặt hàng hạt điều.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo quý I của Bộ NN&PTNT diễn ra vào ngày 5/4, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho hay thời gian gần đây, cơ quan kiểm dịch thực vật liên tục phát hiện nhiều lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi có mọt cánh cứng đốt (Trogoderma SP).
Ảnh minh họa
Ông Trung cho biết đây là loại mọt nguy hiểm nhất trong số các loại mọt và được tất cả quốc gia đưa vào danh sách kiểm dịch thực vật, cần kiểm soát chặt chẽ.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho hay chi phí để xử lý loại mọt này rất lớn. Trước đó, Cục đã cảnh báo các doanh nghiệp nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tiếp tục phát hiện mọt Trogoderma SP trong các lô hàng thì không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho.
Ông Trung cho hay, dù đã cảnh báo đến doanh nghiệp, nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tiếp tục phát hiện mọt Trogoderma SP trong các lô hàng thì không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho.
"Đây sẽ là nguy cơ cao để loại mọt này xâm nhiễm và phát tán ở Việt Nam", ông Trung nói.
Tuy nhiên, ngày 8/4, Vinacas đã gửi công văn số 54/2019 đến Cục Bảo vệ Thực vật và Chi cục Bảo vệ thực vật vùng II với nội dung Văn phòng VINACAS chưa nhận được bất kỳ phản ánh của doanh nghiệp hội viên về "con mọt" này cũng như thông báo chính thức của Cục Bảo vệ Thực vật.
"Vì đây thuộc lĩnh vực chuyên ngành (Bảo vệ thực vật), VINACAS đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật có văn bản hướng dẫn và thông tin làm rõ về "con mọt" này kèm theo những lô hàng đã kiểm tra phát hiện được "con mọt" kể trên để VINACAS phối hợp cảnh báo tới các doanh nghiệp Hội viên nếu thực sự đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nền nông nghiệp nước nhà", VINACAS cho biết.
VINACAS khẳng định hiện nay hầu hết lô hàng điều thô nhập khẩu về Việt Nam đều được hun trùng rất kỹ bởi người bán nước ngoài và có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, chứng thư kiểm tra chất lượng và hun trùng của cơ quan giám định chất lượng độc lập. Trong thời gian qua, hạt điều thô thuộc nhóm ít nguy cơ nhất về an toàn kiểm dịch thực vật.
Đồng thời, Hiệp hội cũng kiên quyết phản đối các doanh nghiệp cố tình nhập khẩu nguyên liệu hạt điều từ châu Phi bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật là mọt cứng đốt làm ảnh hưởng tới ngành chế biến điều nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.