Thừa Thiên Huế phát hiện dịch ASF ở đàn heo rừng
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, thông tin sau khi lấy mẫu xét nghiệm đàn heo rừng nuôi nhốt, cơ quan thú y phát hiện các mẫu này đều dương tính với virus dịch tả heo châu Phi (ASF).
Hiện tại, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã tiêu hủy 6 con heo mắc bệnh trong tổng số đàn; đồng thời, tiến hành cách li các con heo còn lại để theo dõi.
Theo Báo Thừa Thiên Huế, đây là đàn heo rừng nuôi nhốt để phục vụ du khách tham quan tại khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân ở xã Phong Sơn. Đây là ổ dịch ASF thứ 2 được phát hiện trên địa bàn tỉnh.
Kết quả mẫu xét nghiệm của cơ quan Thú y vùng III. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Trước đó, ngày 18/3, ổ dịch ASF đầu tiên được phát hiện tại hộ ông Tạ Hồng Uẩn ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn (Phong Điền). Ngành thú y đã tiến hành tiêu hủy số heo trên, rải vôi và hóa chất tiêu độc khử trùng. Đồng thời lập chốt để phong tỏa khu vực xảy ra dịch, phòng chống lây lan.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã lập 9 chốt kiểm tra, phòng chống dịch ASF, trong đó có 5 chốt ở huyện Phong Điền, các chốt còn lại nằm trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 49 và cửa khẩu Hồng Vân (A Lưới).
Với sự lây lan nhanh chóng và nguy hiểm của virus tả heo châu Phi, các xã giáp ranh huyện Phong Điền như Quảng Thái, Quảng Lợi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Vì vậy, địa phương đã tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có tổng cộng 20 tỉnh, thành xác nhận bùng phát dịch ASF, gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh và Lai Châu.
Các địa phương công bố dịch bệnh cũng đều báo cáo các trường hợp lây lan khác, hầu hết tại những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ không có hệ thống an toàn sinh học tốt.