Thủ tướng yêu cầu tự chủ về nguồn điện, kiểm soát giá cả phù hợp tránh tác động tiêu cực tới lạm phát
Sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện với nhiêù Bộ ngành vàcác doanh nghiệp Nhà nước lớn trong lĩnh vực năng lượng (Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than–Khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc).
Theo Báo Chính phủ, sau khi nghe báo cáo của các bên, Thủ tướng cho rằng trong năm 2021 và quý I/2022 đã cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; không xảy ra thiếu điện trên tổng thể, song xảy ra cục bộ, tại một số thời điểm nhất định. Mối quan hệ giữa giá nguyên liệu đầu vào và giá điện đầu ra còn thiếu hợp lý.
Trong đó khách quan là do dịch COVID-19, giá đầu vào sản xuất điện tăng; xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến cung ứng nguyên, nhiên liệu; việc đẩy mạnh phục hồi kinh tế dẫn đến nhu cầu điện tăng cao.
Về mặt chủ quan, công tác điều hành, phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ; công tác nắm bắt, dự báo tình hình, dự báo nhu cầu chưa sát thực tế và chưa điều chỉnh kịp thời khi tình hình có thay đổi...
Người đứng đầu Chính phủ nhận định trong thời gian tới, trước tác động phức tạp từ bên ngoài và nhu cầu nội tại của nền kinh tế nên việc đảm bảo cân đối lớn về điện hết sức quan trọng.
Do đó, các bộ ngành cần bám sát tình hình, chủ động đưa ra các giải pháp đảm bảo cân đối về điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, với giá thành phù hợp.
"Mục tiêu là phải bảo đảm cân đối lớn về điện và năng lượng một cách bền vững, không để khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo đảm giá hợp lý, kiểm soát giá phù hợp, không gây tác động tiêu cực tới lạm phát và các cân đối lớn về xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách",Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần tự chủ về nguồn điện, giảm phụ thuộc bên ngoài. Trước mắt, tập trung khai thác hết hiệu suất các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất điện; tính toán nhập khẩu nguyên liệu hợp lý, không để mất cân đối; điều chuyển, bù đắp điện từ vùng thừa, sang vùng còn thiếu.
Về lâu dài, cần phải hướng tới phát triển bền vững, tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam; khai thác năng lượng bền vững, sản xuất điện bền vững; đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện hơn nữa; khuyến khích sản xuất điện trong nước; tạo ra sản phẩm điện với chi phí thấp, an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục bám sát tình hình thị trường để có điều tiết phù hợp; phối hợp chặt chẽ với nhau để việc sản xuất, cung ứng điện được vận hành hiệu quả.
"Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách liên quan sản xuất điện, than, khí để đảm bảo an ninh năng lượng, với yêu cầu chính sách phải ổn định, kế hoạch phải dài hạn”, Thủ tướng lưu ý.
Thông tin tại cuộc họp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong quý I đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn kế hoạch.
Trong đó, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống quý I đạt 62,8 tỷ kWh, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 1,8 tỷ kWh so kế hoạch. Nhu cầu công suất phụ tải cực đại toàn quốc (Pmax) đạt 40.144 MW, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về vận hành hệ thống điện và huy động các nguồn điện, do các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,36 tỷ kWh, đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17 và 1 tỷ kWh. Đối với các nguồn điện còn lại được huy động căn cứ theo kế hoạch năm đã được phê duyệt.
Tính toán cân đối cung cầu điện năm 2022 theo phương án phụ tải cơ sở, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 dự kiến là 277,29 tỷ kWh, tăng trưởng 8,73% so với năm 2021.
Phương án phụ tải cao tăng trưởng khoảng 12%. Qua tính toán cân đối cho thấy trong trường hợp đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện, cơ bản đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, kể cả trường hợp nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, đối với khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng tại miền Bắc với công suất thiếu hụt khoảng 1.300 MW đối với phương án cơ sở và có thể lên đến 2.500 MW đối với phương án phụ tải cao.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/