|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 2024 là năm tăng tốc xây dựng các công trình giao thông

21:15 | 16/02/2024
Chia sẻ
Nhấn mạnh 2024 là năm tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư rất lớn 422.000 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các công việc được giao, các cam kết, thỏa thuận đã có, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Ngày 16/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp Phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các Ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.

Phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp bảo đảm tiến độ và rút ngắn tiến độ các công trình, dự án, bảo đảm chất lượng, kỹ/mỹ thuật công trình, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh, cảnh quan môi trường và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Thủ tướng: Nếu chúng ta giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân . (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Đa số các dự án mới triển khai đạt hoặc vượt kế hoạch

Các báo cáo và ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 05 phiên họp Ban Chỉ đạo và cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra hiện trường các công trình, dự án; đã chỉ đạo, ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ngay trong những ngày đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình hạ tầng giao thông và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng.

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trong năm 2023 và tháng 1 năm 2024, các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp tích cực, nỗ lực triển khai và đạt được nhiều kết quả trong triển khai các công trình, dự án.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài tại một số dự án đã được tập trung xử lý như dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành (đình trệ nhiều năm đã được tập trung tháo gỡ các vướng mắc về vốn, về giải quyết các phát sinh trong hợp đồng xây lắp để tái khởi động, tiến độ triển khai theo đúng kế hoạch), dự án nhà ga T3 sân bayTân Sơn Nhất (khó khăn về giải phóng mặt bằng), dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (khó khăn về công tác lựa chọn nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng).

Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được đẩy nhanh, nhiều dự án đã được khởi công như Cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, 03 dự án trục Đông-Tây, đường Vành đai của Hà Nội và TPHCM, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, An Hữu-Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa… 

Đồng thời nhiều dự án cũng đã hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư như cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, Hữu Nghị-Chi Lăng, Dầu Giây-Liên Khương để tiếp tục triển khai lựa chọn nhà thầu, khởi công trong năm 2024.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Nhiều công trình dự án cao tốc đã vượt qua các khó khăn về giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, đại dịch COVID-19, thời tiết cực đoan để khánh thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: 07 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông với chiều dài 412 km, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23 km, Tuyên Quang-Phú Thọ dài 40 km.

Với các dự án mới triển khai, các tỉnh đã tập trung lực lượng để tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công; các chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đa số đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra; kết quả giải ngân của các dự án đều đạt ở mức cao hoặc vượt yêu cầu.

Trong hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra việc thi công xuyên Tết và động viên các công nhân trên công trường 5 dự án trọng điểm tại Hà Nội, TPHCM, tỉnh Đồng Nai và phát lệnh làm hàng tại Tân Cảng-Cái Mép tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại các công trường, hàng nghìn công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài làm việc xuyên Tết, hy sinh niềm vui riêng của cá nhân, tạm gác lại sự đoàn tụ gia đình trong những ngày xuân để làm việc với tinh thần vì sự phát triển của đất nước, sớm hoàn thành các dự án giao thông.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước thành sản phẩm cụ thể

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là việc khó, cả về quy mô, đối tượng, phạm vi, với tổng mức đầu tư rất lớn 422.000 tỷ đồng trong năm 2024.

Quá trình triển khai các dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận rất cao của Quốc hội, chúng ta đã đề xuất và những khó khăn về pháp lý cơ bản được tháo gỡ; các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường các dự án đã có nỗ lực rất lớn; đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng, tạo phong trào, xu thế phát triển hạ tầng trên cả nước.

Thủ tướng cảm ơn bà con nhân dân đã đồng thuận, hỗ trợ, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhường đất, nơi ở cho các dự án, thay đổi thói quen, tập quán, nghề nghiệp, sinh kế vì sự phát triển của đất nước.

Về các nhiệm vụ tổng thể thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan và địa phương phải triển khai chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước về 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá hạ tầng, thành sản phẩm cụ thể, đạt mục tiêu đề ra, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta giải ngân được 422.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước.

Nếu năm 2021-2022 là giai đoạn khởi động, chuẩn bị và phê duyệt dự án, năm 2023 triển khai đồng loạt thì năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các dự án căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các công việc được giao, các cam kết, thỏa thuận đã có, với yêu cầu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật các dự án, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường, xanh, sạch, đẹp.

"Khó khăn ở đâu thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ; khi gặp khó khăn phải đi kiểm tra, đôn đốc, cùng ngồi lại để chia sẻ, thông cảm, tìm cách giải quyết, không tiếc thời gian cho công việc này", Thủ tướng phát biểu.

Các chủ thể, cá nhân có liên quan phải chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả, giải quyết công việc theo thẩm quyền, thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thủ tướng lưu ý cần quan tâm đặc biệt đến việc làm, sinh kế, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội cho người dân tại nơi tái định cư các dự án, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng nhấn mạnh, nghiêm cấm tham nhũng, tiêu cực, phải làm mọi việc với tinh thần vô tư, trong sáng, tất cả vì lợi ích chung; không để phát sinh các vấn đề phức tạp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vi phạm liên quan tới "găm hàng, đội giá" với nguyên vật liệu cho các dự án.

Về các kiến nghị tại phiên họp, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, phân loại để các cơ quan xử lý theo thẩm quyền. Với các vấn đề đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, các cơ quan tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn rõ ràng để thực hiện, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kết luận phiên họp để các bộ, ngành, cơ quan, chủ thể thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả.

Nhấn mạnh một số kinh nghiệm là phải sâu sát, bám sát tình hình, phản ứng nhanh, kịp thời, thực hiện công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cam kết của mình để triển khai các công việc theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết"".

Hà Văn

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.