|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Nỗ lực tăng trưởng GDP năm 2023 trên 5%

12:04 | 23/10/2023
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với khu vực...

 Thủ tướng: Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sáng 23/10,thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển năm 2024.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (6,5%), nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. 

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Thủ tướng nêu rõ cần nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%.

Chính phủ đánh giá trong 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỷ đồng. Ngân sách đang tiết kiệm được 560.000 tỷ đồng dành để cải cách tiền lương trong 3 năm (2024 - 2026).

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận, kinh tế chịu tác động từ yếu tố bất lợi bên ngoài, hạn chế bên trong kéo dài nhiều năm, sức cạnh tranh, chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ sex tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Trong năm 2024, Thủ tướng nhận định, nền kinh tế dự báo vẫn chịu tác động tiêu cực kép, thách thức nhiều hơn. Chính phủ đặt mục tiêu năm sau, với GDP tăng 6 - 6,5%, thu nhập bình quân đầu người 4.700 - 4.730 USD và lạm phát 4 - 4,5%. Tín dụng tăng trưởng trên 15%; giải ngân đầu tư công trên 95% kế hoạch; giảm 10% chi phí tuân thủ tục hành chính trong kinh doanh.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024

- Tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%.

- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD.

- Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1-24,2%.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%.

- Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%; Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%...

- Dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

H.T

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.