Thủ tướng: Mong TPHCM ‘đồng cam cộng khổ’ với cả nước
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình đầu tư công cũng như kế hoạch phân bổ vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu cần giải thích rõ thông tin liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các địa phương như TPHCM, Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương, các cấp, các ngành phải đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng vượt qua giai đoạn ngân sách khó khăn hiện nay - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tỉ lệ giảm nhưng con số tuyệt đối tăng
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đề cập đến khó khăn từ việc tỉ lệ ngân sách mà Thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% thời gian tới. Thành phố đề nghị trước mắt giảm xuống còn 21%.
Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc vượt thu. Tuy nhiên, tỉ lệ phân bổ ngân sách đã được tính toán rất kỹ.
“Tôi phân vân, suy nghĩ chuyện này lắm. Trung ương cũng cố gắng quan tâm tới TP. Hồ Chí Minh. Anh em các bộ rất vất vả tính toán, 1% của TP. Hồ Chí Minh ảnh hưởng lớn tới cả nước”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù tỉ lệ có giảm đi, nhưng con số tuyệt đối lại tăng lên. Chưa kể như TPHCM còn được Trung ương đầu tư 5 dự án ODA với số vốn gần 100 nghìn tỷ đồng, các dự án chống ngập, xây dựng 2 bệnh viện lớn trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Đà Nẵng cũng tương tự như vậy.
Cùng với đó, có nhiều nguồn thu như từ đất đai được để lại toàn bộ cho các địa phương.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải công khai, minh bạch, giải thích rõ cho dư luận hiểu, tránh tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần các địa phương, các cấp, các ngành phải đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng vượt qua giai đoạn ngân sách khó khăn hiện nay, nhất là trong năm 2017, 2018. Cùng với đó, không chỉ trông chờ vào ngân sách, phải huy động các nguồn lực khác như xã hội hóa, ODA. Quan tâm đầu tư cho những nơi khó khăn và các địa bàn trọng điểm.
“TP. Hồ Chí Minh còn nhiều vấn đề như kẹt xe, bụi bặm, ngập nước… nhưng mong các đồng chí cố gắng tìm thêm nguồn khác. Cả nước còn nhiều vùng rất khó khăn như ở Cà Mau, Lạng Sơn, Cao Bằng… bà con rất khó khăn, đường đi không có, hàng hóa không tự sản xuất được. Chúng tôi sẽ lắng nghe, cố gắng tìm nguồn vốn cho các đồng chí. Mong các đồng chí báo cáo lại với Thành phố, với nhân dân Thành phố thông cảm, cùng đồng cam cộng khổ với cả nước”, Thủ tướng chia sẻ với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh.
Bộ Tài chính đã tính toán kỹ
Trước đó, sau khi Bộ Tài chính xem xét, đề nghị cân đối lại tỉ lệ điều tiết ngân sách ổn định cho các địa phương trong giai đoạn mới (2017-2020), qua báo chí, một số ý kiến cho rằng việc giảm tỉ lệ ngân sách được giữ lại đã gây khó khăn cho một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng khẳng định, trong tính toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính luôn cân bằng hai yếu tố phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dù khó đáp ứng được nhu cầu chi của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội nhưng theo tính toán của Bộ, tổng nguồn lực ngân sách của các địa phương này không thể nói là giảm, chỉ là không tăng như nhu cầu của địa phương.
Hai thành phố cũng có nhiều công trình do Trung ương đầu tư. Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh cần tính đến các giải pháp tiết kiệm chi như giảm hội họp, phương tiện đi lại, công tác nước ngoài…
“Trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn, việc điều hòa ngân sách giữa địa phương và Trung ương đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ, sao cho vừa bảo đảm chia sẻ khó khăn với các tỉnh nghèo, vừa thúc đẩy phát triển ở các thành phố lớn”, ông Hưng nói.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng về đại thể, thu ngân sách tại địa phương có ba nhóm chính: 1) Các khoản thu phát sinh tại địa phương nhưng phải nộp 100% về Trung ương (gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu…); 2) Các khoản thu địa phương được giữ lại 100% (gồm các khoản thuế và phí liên quan đến nhà đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thuế tài nguyên trừ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí…; 3) Các khoản thu phân chia theo tỉ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…).
Như vậy, phần tỉ lệ “ngân sách giữ lại” mà dư luận đang quan tâm chỉ là một phần trong ngân sách của địa phương.