|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thủ tướng: Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần bổ sung người Việt vào ban lãnh đạo

09:21 | 12/11/2023
Chia sẻ
Để giải quyết những khó khăn về hoạt động, tình hình tài chính của Lọc dầu Nghi Sơn, Thủ tướng yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó cần bổ sung người Việt vào ban lãnh đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: VGP)

Sáng 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, một trong nhưng dự án trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, theo báo Chính phủ.

Với tổng mức vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cả nước.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang gặp nút thắt lớn dù được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, hạ tầng, bao tiêu sản phẩm.

Báo cáo về tài chính đã kiểm toán cho thấy công ty vẫn lỗ lũy kế lớn, lợi nhuận trước thuế của những năm vừa qua có cải thiện, nhưng chưa tạo được chuyển biến đáng kể. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn phải bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của thực trạng trên là khi lập, triển khai và vận hành dự án, các bên đã không dự báo được hết những khó khăn có thể xảy ra, đặc biệt là những biến động gần đây của tình hình thế giới.

Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu cũng khiến biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh, doanh thu và lợi nhuận không đạt kỳ vọng ban đầu.

Ở một khía cạnh khác, việc quản trị, điều hành nhà máy với nhân sự chủ chốt chủ yếu là người Nhật và Kuwait khiến nhà máy hoạt động chưa ổn định và tối ưu về chi phí.

Thông tin công bố của doanh nghiệp cho thấy hiện Ban Tổng giám đốc của Lọc dầu Nghi Sơn có ba thành viên, gồm:

- Ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc (đại diện công ty Idemitsu Kosan)

- Ông Phạm Văn Chất, Phó Tổng giám đốc (đại diện PVN)

- Ông Imad Al-Hadlaq, Phó Tổng giám đốc (đại diện công ty Kuwait Petroleum) 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nêu một số giải pháp liên quan đến tái cấu trúc dự án, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của nhà máy.

Thủ tướng yêu cầu các bên góp vốn phối hợp PVN tái cấu trúc quản trị, nhân sự, trong đó cần có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo công ty; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết các vấn đề, đồng thời xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, các bên liên quan cần tái cấu trúc về tài chính, ví dụ như giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Một điểm khác được Thủ tướng nhấn mạnh là tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nhà máy có thể sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn, thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao.

Về phía doanh nghiệp, ông So Hasegawa, Tổng Giám đốc Lọc dầu Nghi Sơn thừa nhận những vấn đề Thủ tướng phân tích liên quan tới nguồn tài chính, quản trị và sản xuất.

Trong thời gian tới, Lọc dầu Nghi Sơn và cơ quan chức năng của các nước sẽ triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ ra, giải quyết các khó khăn và cải thiện tình hình doanh nghiệp trong những năm tới.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh do 4 doanh nghiệp góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp với 3/4 vốn FDI, hình thành trung tâm lọc hóa dầu lớn của Việt Nam. Tổng thuế đã nộp ngân sách nhà nước đến nay là 85.236 tỷ đồng.

Hoàng Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).