|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Không quốc gia nào phát triển nhanh nếu giữ tư duy cũ

09:37 | 17/01/2024
Chia sẻ
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thủ tướng nói không nền kinh tế nào phát triển nhanh nếu chỉ dựa vào các động lực truyền thống.

Chiều ngày 16/1 theo giờ Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos.

Đối thoại có sự tham gia của ông Joo-Ok Lee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương WEF cùng 60 lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu. Đây là một trong tám hoạt động đối thoại cấp quốc gia được tổ chức trong khuôn khổ WEF Davos 54, nhằm giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và các chính sách cụ thể Chính phủ sẽ triển khai.

Chủ đề của Đối thoại là "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam". Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề này trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, cảm ơn sự hiện diện của các đối tác, cùng Việt Nam củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo động lực để hợp tác hiệu quả hơn.

Thủ tướng khẳng định chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay. "Không một quốc gia, nền kinh tế nào, nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, có thể phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ngày 16/1 tại Davos (Thụy Sĩ). (Ảnh: Dương Giang).

Để thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính, gồm hoàn thiện thể chế, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, ưu tiên của Việt Nam là phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

"Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi, gồm chuyển đổi về kinh tế, làm mới những động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới", Thủ tướng khẳng định.

Về đối ngoại, Thủ tướng cho biết Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không"; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác với Việt Nam, kêu gọi các nhà đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ cao. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trên tinh thần "cùng thắng, cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đồng tình với những ý kiến của Thủ tướng, lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi, phát triển, tăng trưởng quy mô kinh tế, quy mô thương mại, cũng như quyết tâm chuyển đổi và triển vọng kinh tế Việt Nam.

Các thành viên WEF trong Đối thoại "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam", ngày 16/1 tại Davos. (Ảnh: Dương Giang).

Các thành viên WEF nhìn nhận Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất tại Hội nghị lần này.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định hài lòng với các dự án đầu tư tại Việt Nam, ấn tượng với việc Chính phủ có các chính sách, biện pháp quyết liệt để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cũng như luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao.

WEF cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài, mong muốn tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, chuyển đổi. Các doanh nghiệp đề nghị Việt Nam tiếp tục chia sẻ về những vấn đề cần hỗ trợ và tiếp tục duy trì các chính sách mang tính ổn định, dài hạn.       

Minh Sơn

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.