Thủ tướng Hungary kêu gọi doanh nghiệp Việt sang đầu tư
Chiều 19/1 tại Budapest, nhân chuyến thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tham gia Diễn đàn doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Hungary và Việt Nam đến đầu tư ở hai nước, nhằm đóng góp lợi ích, củng cố mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam và Hungary.
"Không có lý do gì mà không đến đầu tư, kinh doanh và phát triển thế mạnh của mình tại Việt Nam và Hungary. Mong các nhà đầu tư hiểu sâu sắc về hai nước để mang lại lợi ích cho chính các bạn và hai nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trước cộng đồng doanh nghiệp
Còn ông Viktor Orban đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư hơn nữa vào Hungary. "Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, hãy mời những đại diện khỏe của Việt Nam sang Hungary để đầu tư, bên cạnh kinh doanh. Điều này cũng hỗ trợ quan hệ đầu tư giữa hai nước", Thủ tướng Hungary nói.
Theo ông Orban, quy mô kinh tế so với Việt Nam có thể không bằng nhưng Hungary là nền kinh tế đa dạng. Và điều này sẽ mang lại lợi ích cho những doanh nghiệp muốn đầu tư. Rubik, bút bi, máy pha coffee hay máy tính đều là những sáng tạo của người Hungary.
"Việt Nam hãy coi trọng chúng tôi, đừng chỉ nhìn về quy mô mà cần đánh giá những yếu tố khác trong nền kinh tế Hungary", Tổng thống Viktor Orban nói.
Phía Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Hungary đầu tư vào các lĩnh vực là động lực tăng trưởng, như tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư, đồng thời tập trung những động lực mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, hay trí tuệ nhân tạo.
Lãnh đạo hai bên cũng khẳng định sẽ tạo môi trường đầu tư "yên tâm" cho các nhà đầu tư.
Trước lo ngại về ảnh hưởng của căng thẳng Ukraine có thể ảnh hưởng tới Hungary, Thủ tướng Orban nói rằng "điều này không phải vấn đề", bởi Hungary luôn đứng về phía hòa bình.
"Chúng tôi sẽ không có chính sách nào để đẩy Hungary vào rủi ro của xung đột", ông nói.
Tương tự, Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. "Chúng tôi luôn tâm niệm phải đồng hành, khuyến khích, bảo vệ nhà đầu tư để họ yên tâm khi đến Việt Nam. Không ai đến đầu tư ở đất nước không có chính sách ổn định", Thủ tướng nói.
Trước cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng cũng nhắc lại những khó khăn trong quá trình phát triển của Việt Nam khi phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị bao vây, cấm vận. Tuy nhiên, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập, quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 53 lần, từ 8 tỷ USD năm 1986 lên khoảng 430 tỷ USD năm 2023, từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Những năm qua, thế giới và khu vực khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy và các cân đối lớn được đảm bảo.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ luôn tuân thủ các cam kết quốc tế, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư. "Hy vọng khi kỷ niệm 150 năm tới, cả hai nước đều hùng cường hơn, mạnh mẽ hơn, hợp tác hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cao hơn cho người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng nói.