Tổng giám đốc WTO: Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển kinh tế
Nhận định này được Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, tại Thụy Sĩ, ngày 17/1.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,05% so với 2022, cao hơn tốc độ tăng của 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức này được ghi nhận thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới trước bối cảnh toàn cầu khó khăn, nhiều quốc gia tăng thấp.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala nói ấn tượng và coi Việt Nam là câu chuyện thành công về vươn lên phát triển kinh tế xã hội. Tổng giám đốc WTO cũng đánh giá cao hợp tác của tổ chức này với Việt Nam thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam luôn đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của WTO. Tuy nhiên, ông quan ngại chủ nghĩa bảo hộ và các tiêu chuẩn mới về biến đổi khí hậu, những khó khăn mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt do các rào cản này.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị WTO thảo luận với các nước phát triển để trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển với lộ trình thực hiện phù hợp.
Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala cho biết một đoàn chuyên gia của Ủy ban Châu Âu đã làm việc với tổ chức này, lắng nghe ý kiến của các nước đang phát triển và kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
Gặp ông Daren Tang, Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam ủng hộ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo để đưa tri thức vào phát triển kinh tế xã hội. Ông muốn WIPO tiếp tục tư vấn để Việt Nam làm tốt hơn trong tiến trình này.
"Bảo vệ sở hữu trí tuệ là vấn đề lớn toàn cầu, nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ", Thủ tướng nói.
Tổng Giám đốc WIPO đánh giá cao tinh thần đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực này.
Tại cuộc gặp bà Amani Abou Zeid, Cao ủy phụ trách cơ sở hạ tầng, năng lượng và số hóa Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), Thủ tướng mong muốn tăng hợp tác với các quốc gia châu Phi, nhất là nông nghiệp, thương mại và tăng xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mỗi bên.
Bà Amani Abou Zeid nhận xét du lịch sẽ là lĩnh vực tiềm năng hai bên cần thúc đẩy thời gian tới.