|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Giải ngân hết 630.000 tỉ đồng sẽ góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%

10:38 | 04/08/2020
Chia sẻ
Giải ngân hết 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 7/2020.
Thủ tướng: Giải ngân hết 630.000 tỉ đồng sẽ góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4% - Ảnh 1.

Hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. (Ảnh: VGP).

Theo Báo Chính phủ, sáng 3/8 đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kì tháng 7/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu.

Trước hết, về đánh giá tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng, tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không, những ngành chịu nhiều thiệt hại do COVID-19 thì đã có những tiến triển.

Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Nhưng về cơ bản, dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát.

Sức khỏe nền kinh tế đang được cải thiện

Theo Thủ tướng, sức khỏe nền kinh tế cũng được cải thiện, đó là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kì nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.

Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Việt Nam đã tìm một số thị trường mới, tăng lên về khối lượng. 

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kì năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỉ USD, tăng 18,4%.

Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào. Thủ tướng nhắc lại, các ngân hàng không nên đặt vấn đề lợi nhuận trong năm nay mà cái chính là phục vụ doanh nghiệp.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Việt Nam đang làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và được các nước bạn đánh giá cao điều này.

Giải ngân hết 630.000 tỉ đồng sẽ góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề. Thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. 

“Tôi xin lưu ý thách thức đối với chúng ta là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế”, Thủ tướng nói. Lạm phát được kiểm soát, đang giảm dần nhưng còn nhiều thách thức.

Thủ tướng: Giải ngân hết 630.000 tỉ đồng sẽ góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4% - Ảnh 2.

Thủ tướng cho biết, nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng sẽ góp vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là với ngành khai khoáng, khí đốt, khai thác dầu thô, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chi ngân sách tiếp tục tăng, khiến cho thâm hụt ngân sách 2020 dự báo sẽ tăng. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kể cả bội chi ngân sách thì chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, cho các doanh nghiệp. 

Thủ tướng đề xuất cần kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý qui mô, phạm vi đủ lớn, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo ngay động lực tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu, định hướng.

Dù muốn tăng trưởng cao hơn nữa nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu, nên tăng trưởng của Việt Nam chỉ dừng ở mức độ vừa phải. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn là điều cần thiết phải làm lúc này để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch COVID-19 quay trở lại. Đây là một tuần thử thách nữa cho chính sách tài khóa và tiền tệ.

Về mở rộng tín dụng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan chức năng bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Các Bộ, ngành liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể qui III năm 2020 và năm 2021. 

Về đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu.


Minh Hằng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.