Thủ tướng: Dành gói tín dụng ưu đãi 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa
Một trong những kiến nghị được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra sáng 22/12 là vấn đề thuế đối với các sản phẩm văn hoá.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD nêu những bất cập về vấn đề thuế đối với các nhà sáng tạo nội dung trên Facbook, Youtube, Tiktok,.. .
Bà cho biết Việt Nam hiện có 20.000 nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện thuế xuất khẩu các nội dung sáng tạo số hiện là 0%, nhưng các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số (Facbook, Youtube, Tiktok) phải nộp thuế 35% khi xuất khẩu sang Mỹ. Họ cũng phải đóng 10% thuế VAT tại Việt Nam trong khi người Việt không xem nội dung này.
Để giải quyết bất cập này và dễ quản lý một số đầu mối chính, CEO BHD đề xuất, các nhà sáng tạo nội dung không ký hợp đồng trực tiếp với nền tảng mà hợp tác qua các agency thì đại lý sẽ đóng thuế VAT 10% cho toàn bộ doanh thu của cả nhà sáng tạo nội dung. Sau đó các nhà sáng tạo nội dung phải nộp thêm phần thuế VAT 5% của mình.
"Việc này sẽ giúp các cơ quan thuế cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông dễ quản lý một số đầu mối chính thay vì khoảng hơn hai mươi ngàn nhà sáng tạo nội dung cá nhân như hiện nay…", bà Hạnh nói.
Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine cũng đề xuất miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không gian sáng tạo trong 3 năm đầu tiên và trong 2 năm tiếp theo thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập đối với các dự án công – tư.
Nguyên nhân là do nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận hoặc tham gia các dự án hợp tác công - tư với mức chi rất thấp của Nhà nước. Vì thế khi các không gian sáng tạo phải đóng thuế như là một doanh nghiệp thì thường sẽ gặp khó khăn.
Theo bà nếu có những hành động quyết liệt, Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp sáng tạo của Đông Nam Á và của cả châu Á.
Đại diện Tập đoàn Sun Group thì cho rằng cần coi nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch này trong từng thời kỳ, là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam.
Vị này cho biết, hầu hết các địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.
Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như về cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối.
Dành gói tín dụng ưu đãi 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan.
Trong đó, có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.
Trong đó các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có tiềm năng xuất khẩu.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung đầu tư, khai thác, hỗ trợ phát triển ngành phần mềm và các trò chơi giải trí; đưa các giá trị văn hoá truyền thống, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam vào phần mềm ứng dụng tương tác.
Đặc biệt, chuyển dịch từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm thương hiệu Việt, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ thị trường trong nước sang thị trường quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu và phát triển hệ sinh thái trực tuyến cho các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.