|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: 3 thế mạnh phát triển của Việt Nam

15:15 | 22/10/2016
Chia sẻ
Người đứng đầu Chính phủ nêu 3 khu vực của nền kinh tế cần tập trung đẩy mạnh trong quá trình tái cơ cấu là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin.
thu tuong 3 the manh phat trien cua viet nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 thế mạnh phát triển của Việt Nam. Ảnh: Giang Huy

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế là việc khó, vì đất nước đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau. Từ Đổi mới đến nay cũng đã 30 năm nên phải có quyết tâm chính trị thực sự cao.

“Nếu không đủ quyết tâm sẽ vẫn cách làm cũ, không ăn thua. Ngoài ra, cần bộ máy triển khai công việc này. Có đề xuất là phải thành lập đội đặc nhiệm tái cơ cấu, dám cắt bỏ những gì bất hợp lý”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cho biết hiện có nhiều lĩnh vực đã và đang tái cơ cấu, như đầu tư công, hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước…, Thủ tướng nêu rõ cần phải có nguồn lực để thực hiện các công việc này. Đơn cử nợ xấu đang rất lớn, muốn giải quyết thì “phải bỏ tiền bạc ra, theo quy luật biện chứng thì vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được”.

Thủ tướng lưu ý việc tập trung vào một số thế mạnh của Việt Nam để tái cơ cấu. “Vậy thế mạnh là cái gì?”, Thủ tướng nêu câu hỏi và cho biết sẽ đề xuất với Quốc hội có chính thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao. Thế mạnh này gần như địa phương nào trên toàn quốc cũng có. Ví dụ của Cà Mau là nơi nuôi tôm lớn nhất Việt Nam, với quy mô lên đến 1 tỷ USD. Vậy phải tập trung giải quyết các vấn đề về chất lượng giống, môi trường, thâm canh…

Thế mạnh tiếp theo chính là du lịch. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế hằng năm đến Việt Nam còn khiêm tốn. “Ta hiện có 6-7 triệu khách, trong khi Hong Kong 7,3 triệu dân có 60 triệu khách, Thái Lan 60 triệu khách, Singapore 30 triệu khách”, Thủ tướng nêu số liệu và cho rằng cùng với thu hút khách du lịch quốc tế thì phải chú ý thúc đẩy thị trường nội địa. “Đã có bao nhiêu người dân trong nước đi đến mũi Cà Mau? Bao nhiêu phong cảnh đẹp trải dài trên đất nước ta mà bà con chưa biết hết. Đây chính là thị trường tiềm năng cho du lịch”, Thủ tướng nói.

Thế mạnh thứ ba được Thủ tướng nêu lên là nắm bắt được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - nền kinh tế số. “Người Việt thông minh, sáng tạo. Cần đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, nếu không đề cập đến vấn đề này thì chúng ta sẽ lạc hậu”, ông nói.

thu tuong 3 the manh phat trien cua viet nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu về tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Giang Huy

Cũng góp ý vào kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng 5 năm qua, tái cơ cấu nhưng không rõ mô hình. Lần này mô hình được vạch ra là tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, phương thức tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu. Tuỳ từng ngành, lĩnh vực, địa phương sẽ phát triển và tái cơ cấu theo hướng này.

Theo ông Huệ, chiến lược tăng trưởng trước đây chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đầu tư, lần này tăng trưởng phải dựa thêm vào khu vực nội địa. Năm 2016, dân số cả nước khoảng 92,7 triệu người, đây là một thị trường rất rộng lớn, còn rất nhiều dư địa có thể khai thác, không chỉ là người Việt dùng hàng Việt mà còn phải tổ chức lại thị trường trong nước.

Chính phủ kiên quyết giữ trần nợ công

Về trần nợ công hiện đã sát ngưỡng 65% GDP, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói hiện có ý kiến cho rằng nếu không đầu tư lấy gì phát triển, các nước trần 70-100% GDP, Việc Nam có 65% GDP thì sao phải chặn? "Tuy nhiên, Chính phủ kiên quyết giữ trần nợ công", Phó thủ tướng Huệ khẳng định và cho biết Nhà nước sẽ không bỏ tiền cứu những doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả.

Ủng hộ việc kiên quyết giữ trần nợ công 65% GDP, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay các nước thường dùng chỉ tiêu kép, nói nợ công phải đi liền với GDP bình quân đầu người. Nếu so sánh mức thu nhập bình quân đầu người một số nước xung quanh với Việt Nam thì thấy rằng nợ đang rất cao.

Ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ lo lắng về nguồn lực lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tương đương gần 500 tỷ USD, để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. “Hiện nay thu ngân sách hàng năm chưa đến 50 tỷ USD, GDP loanh quanh khoảng 200 tỷ USD, lại còn các vấn đề như bội chi, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... Không biết Chính phủ sẽ xoay sở như thế nào để có nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế lớn như vậy”, ông Vân nói và cho biết vừa qua có ý tưởng huy động trong nhân dân 500 tấn vàng, nhưng ngay cả huy động được chỗ này thì cũng chưa đủ.

“Có lẽ phải tính toán lại, không nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá”, ông Vân nói.

Theo Võ Thành - Hoài Thu

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.