|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thứ trưởng Mỹ: Nhiều quốc gia ao ước có khả năng chế tạo chip như Việt Nam

17:02 | 15/08/2024
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cao năng lực lắp ráp, kiểm tra và đóng gói chip của các kỹ sư Việt Nam.

Ngày 15/8, tờ Nikkei Aisa có bài viết so sánh nguồn nhân lực chế tạo chip của Việt Nam như thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp bán dẫn đến “làm tổ”. Thực tế, trong thời gian qua đã có hàng loạt các công ty thiết kế chip như Marvell, Alchip Technologies, BOS Semiconductors, Synopsys,… đặt trung tâm R&D tại Việt Nam.

Theo tờ báo Nhật Bản, Việt Nam thu hút các doanh nghiệp bán dẫn nhờ những tài năng kỹ thuật và nguồn nhân lực “giá rẻ” so với các thị trường xung quanh. Cụ thể, so với Đài Loan (Trung Quốc) hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của kỹ sư Việt Nam hấp dẫn các công ty. Đồng thời, chính phủ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, giúp mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo trang web Salary Explorer, mức lương trung bình của kỹ sư Việt Nam là 665 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với Singapore (5.627 USD), Đài Loan (3.782 USD), Hàn Quốc (2.826 USD) và Malaysia (1.313 USD).

Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế về ổn định chính trị và chi phí cạnh tranh.

Các kỹ sư Việt Nam thiết kế chip AI cho ô tô tại BOS Semiconductions. (Ảnh: Nikkei).

Việt Nam và các tổ chức nước ngoài đang tập trung vào khâu đào tạo nhằm tăng đội ngũ kỹ sư trong ngành bán dẫn. Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030. 

Theo Nikkei Asia, các lãnh đạo trong ngành chip và các cơ quan chức năng tại Việt Nam cho biết học bổng và chương trình thực tập là những công cụ then chốt để thu hút thêm nhiều kỹ sư vào lĩnh vực này. 

Ngoài ra, Seoul AI Hub, một đơn vị nghiên cứu thuộc chính quyền Thành phố Seoul, cũng dự định cung cấp chương trình thực tập ba tháng cho sinh viên Việt Nam bắt đầu từ tháng 9, tạo cơ hội cho họ làm việc tại các công ty thiết kế chip Hàn Quốc. 

Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc đang phối hợp với Bộ Tư pháp để nới lỏng quy định thị thực cho người Việt Nam. 

Trong khi đó, Washington đang hợp tác với 7 quốc gia, bao gồm Việt Nam, để xây dựng một chuỗi cung ứng chip độc lập với Trung Quốc. Một quan chức Mỹ đã chia sẻ rằng kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực lắp ráp của Việt Nam sẽ giúp nước này mở rộng sang thiết kế chip. 

Ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cho biết: "Nhiều quốc gia trên thế giới ao ước có được khả năng lắp ráp, kiểm tra và đóng gói (ATP) như Việt Nam." 

Ông nói thêm: "Bạn phải bắt đầu từ ATP (Assembly, Testing, Packaging - lắp ráp, kiểm tra và đóng gói), và từ đó có thể phát triển lên." 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez trong một sự kiện sáng 26/1 tại Hà Nội (Ảnh: Thành Đông/Dân trí). 

Các nỗ lực khác đến từ khu vực tư nhân. Pegatron, một nhà cung cấp của Apple và Microsoft đến từ Đài Loan, đang tích cực mở rộng nguồn nhân lực kỹ thuật tại Việt Nam, nơi họ đã xây dựng cơ sở sản xuất từ năm 2020. 

Ông Chi-Liang Chen, Tổng giám đốc Pegatron Việt Nam, chia sẻ: "Năng suất và chất lượng nhân tài tại Việt Nam đang tăng lên, nhưng do nhu cầu thị trường, nguồn cung nhân lực không thể đáp ứng kịp, vì vậy các công ty phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo." 

Ông Chen cho biết sự tập trung ngày càng tăng của Chính phủ Việt Nam vào lĩnh vực bán dẫn cũng tác động đến việc tuyển dụng trong các lĩnh vực công nghệ khác, và Pegatron dự đoán tình trạng thiếu hụt nhân lực sẽ "càng trở nên rõ ràng hơn" trong tương lai gần. 

"Chúng tôi thực sự hy vọng Chính phủ và các trường đại học có thể chủ động hơn trong việc mở thêm các khoa liên quan đến kỹ thuật với các ưu đãi để mở rộng nguồn nhân tài," ông Chen nói.

Pegatron đã và đang cung cấp học bổng cho sinh viên tại Đại học Hàng hải Việt Nam và Đại học Hải Phòng, đồng thời tài trợ cho các sự kiện của trường, các giải đấu thể thao và chương trình thực tập. Công ty cũng hợp tác với nhiều trường đại học để đồng thiết kế chương trình giảng dạy và trang thiết bị nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng chính xác nhu cầu của ngành công nghệ. 

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, khi làn sóng đầu tư công nghệ ồ ạt đổ vào, những thách thức cũng bắt đầu xuất hiện.

CEO Marvell Việt Nam, ông Lê Quang Đạm, cho biết giao thông tại TP HCM ngày càng tắc nghẽn. Để giúp nhân viên giảm thời gian di chuyển, công ty đã duy trì hai văn phòng, cho phép họ lựa chọn làm việc tại địa điểm thuận tiện hơn. 

Ông giải thích: "Việc tìm kiếm không gian phù hợp là một thách thức, vì chúng tôi không chỉ cần văn phòng thông thường mà còn cần không gian cho các phòng thí nghiệm R&D, đòi hỏi nguồn điện và điều hòa đặc biệt cho thiết bị." Ông cũng nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng cần được cải thiện.

"Đối với thiết kế IC (mạch tích hợp), chúng tôi may mắn không cần quá nhiều năng lượng và nước. Tuy nhiên, nhìn chung, nguồn cung cấp điện, năng lượng và nước là một vấn đề lớn cho sự phát triển của toàn ngành. Đóng gói, lắp ráp và kiểm định chip đòi hỏi rất nhiều điện và nước."

Những lợi thế hiện đang thu hút đầu tư nước ngoài có thể không bền vững.

Ông Brian Chen - đối tác tại KPMG, dự đoán mức lương tại Việt Nam có thể sớm bắt kịp Đài Loan do nhu cầu nhân lực cao. "Mức lương đang tăng nhanh chóng. Nhân tài cấp cao có thể được tăng lương ít nhất 10% mỗi năm."

TP HCM là lựa chọn hàng đầu của các công ty nước ngoài để thu hút nhân tài nhờ chất lượng cuộc sống và hoạt động thương mại sôi động. Ông Chen nhận định: "Sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu. Chúng tôi dự đoán các công ty sẽ chuyển hướng sang Hà Nội khi thị trường nhân tài tại TP HCM bão hòa.”

Các quốc gia xung quanh cũng đang đẩy mạnh đào tạo nhân tài bán dẫn.

Malaysia, từng là trung tâm công nghiệp chip vào những năm 1970 và 1980, đang nỗ lực tái thiết ngành công nghiệp nội địa. Dòng vốn đầu tư đang đổ vào từ những tên tuổi lớn nhất trong ngành, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt kỹ sư địa phương là một trong những thách thức lớn đối với mục tiêu của chính phủ. 

Thái Lan đang đón nhận làn sóng đầu tư mới vào bảng mạch in, máy tính xách tay và máy chủ, nhưng cũng đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng về nhân tài công nghệ.

Nhật Bản cũng đang nỗ lực lấy lại vị thế cường quốc chip, và sự khan hiếm kỹ sư giàu kinh nghiệm là vấn đề thường trực được các nhà hoạch định chính sách và nhân vật trong ngành nhắc đến.

Ngay cả Trung Quốc, nơi chính phủ đang mạnh tay hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa, cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đủ kỹ sư, khi nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu lựa chọn công việc lương cao hơn trong lĩnh vực phần mềm hoặc dịch vụ tài chính.

Đức Huy

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.