Thứ trưởng bộ NN&PTNT: Cần phải mổ xẻ vấn đề vì sao nguồn cung vẫn đảm bảo nhưng giá thị trường liên tục tăng
Thách thức lớn nhất ngành chăn nuôi là gì?
Vấn đề trên được ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), nêu ra tại hội thảo “Liên kết chuỗi chăn nuôi an toàn và két nối tiêu thụ sản phẩm” diễn ra hôm 18/10.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Song song đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi ở Việt Nam bắt đầu có chuyển biến mạnh trong vấn đề đổi mới công nghệ, sản xuất và chế biến.
“Một số bài tham luận tại hội thảo đều đánh giá kỹ thuật trong chăn nuôi nhiều năm của Việt Nam có sự chuyển biến rất rõ về đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến, và bắt đầu có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt hơn trong các bài tham luận, diễn giả đều nhắc tới giải pháp để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm”, Thứ trưởng nhận xét.
Với chủ đề chính bàn về liên kết chuỗi chăn nuôi, Thứ trưởng cho rằng: “Nếu chúng ta làm tốt chuỗi liên kết thì giá trị sản phẩm chăn nuôi sẽ ngày càng nâng cao và vươn ra thị trường”.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp. Theo đại diện Bộ NN&PTNT, thách thức lớn nhất ngành chăn nuôi cần phải tập trung giải quyết là thực hiện quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu. “Đây là vấn đề cần phải tập trung, đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (Ảnh: PN). |
Chuỗi giá trị bình ổn giá thị trường trong sản xuất chăn nuôi
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng nêu một số vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, ngành chăn nuôi cần tập trung xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh, đặc biệt là giải pháp thực hiện. Bởi theo số liệu đến năm nay, Bộ NN&PTNT đã công nhận 50 vùng an toàn dịch bệnh và 1.505 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong tổng số 23.000 trang trại thì tỷ lệ này quá nhỏ, ông Nam nêu quan điểm.
Thứ hai là chuỗi giá trị bình ổn giá thị trường trong sản xuất chăn nuôi.
“Chuỗi giá trị bình ổn giá thị trường trong sản xuất chăn nuôi cần như thế nào để hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh và người sản xuất, đó là một vấn đề lớn”, ông Nam nói.
Hiện tượng cá lớn nuốt cá bé
Trong cơ chế thị trường hiện nay, bên cạnh lợi thế cũng có những áp lực, hiện tượng cá lớn nuốt cá bé, vậy làm sao, ông Nam đặt vấn đề.
Chứng minh năm 2017, nguồn cung heo của Việt Nam khoảng 3.764 nghìn tấn, tiêu thụ trong nước khoảng 3.461 nghìn tấn, điều này có nghĩa tiêu thụ thấp hơn lượng sản xuất. Trong 9 tháng năm 2018, Việt Nam sản xuất được 2.850 nghìn tấn heo hơn, đáp ứng 2.138 nghìn tấn thịt xẻ, tương đương 76%. Tuy nhiên giá heo vừa qua lên xuống bất thường, trên 53.000 – 55.000 đồng/kg. Vậy ai sẽ là người hưởng lợi, có chia sẻ lợi ích với người nông dân trong chuỗi giá trị hay không.
Trước câu hỏi đó, ông Nam cho rằng các bên cần phải chia sẻ cùng nhau. “Cần phải mổ xẻ vấn đề này, nguồn cung vẫn đảm bảo nhưng giá thị trường liên tục tăng. Tại sao lên, có phải thức ăn không, đó là những vấn đề tôi muốn gợi ý để đi vào chiều sâu”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, khi đề cập về trách nhiệm của nhà nước, theo đại diện của Bộ, Nhà nước có vai trò là khung pháp chế, khung quản lý, còn lại các bên trong chuỗi cần phải chia sẻ với nhau. Bởi đó là lợi ích giữa các bên tham gia trong chuỗi và gắn với Nhà nước như thế nào để hài hòa.
“Vừa qua Bộ NN&PTNT đã trực tiếp theo dõi vấn đề nông sản, tham gia bình ổn giá. Bộ rất băn khoăn, đau xót việc người nông dân sản xuất được nhưng qua nhiều tập đoàn thì giá trị người nông dân, trang trại nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng còn lại là bao nhiêu.
Câu hỏi đặt ra, chúng ta có cần phải khuyến khích các hộ gia đình chăn nuôi và trang trại vào hợp tác xã không. Hay trước áp lực này, tự các hộ chăn nuôi phải bỏ nghề, làm việc khác. Đó là một thực tế.
Nhà nước luôn hỗ trợ, động viên doanh nghiệp nhưng nhà nước không thể bỏ các hộ dân chăn nuôi”, ông Nam chia sẻ.
Trách nhiệm các bên trong xây dựng chuỗi xuất khẩu
Cuối cùng, ông Nam cho rằng, xây dựng chuỗi giá trị bình ổn, xuất khẩu được nhắc đến nhiều như kết quả thực tế đến nay, Việt Nam chỉ mới xuất được 10.010 tấn thịt heo ra nước ngoài (cụ thể là Myanmar), con số này quá nhỏ so với lượng heo sản xuất trong nước.
Vậy giải pháp nào để xây chuỗi xuất khẩu, dựa vào đâu để xuất khẩu. “Phải chăng những tập đoàn lớn cần có trách nhiệm ở đây, thậm chí các doanh nghiệp lớn từ nguồn cung thức ăn, con giống”, ông Nam nêu ý kiến.
Ông cho biết, phía bộ NN&PTNT sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ về mặt chuyên môn đối với những vấn đề doanh nghiệp đặt ra, tiếp thu ý kiến để các đơn vị cùng trao đổi và tháo gỡ.
Góc độ thương mại, Bộ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường. Nhưng ai sẽ là đầu tàu để khơi thông các thị trường nước ngoài, Nhà nước không thể nào đi cầm 1 tấn thịt đi bán, mà Nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế để tháo gỡ các vướng mắt, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, ông Nam cho hay.
“Để các loại thịt, trứng, sữa tiến ra nước ngoài, phải có sự đồng hành của Nhà nước, người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học để thúc đẩy”, ông Nam kết luận.